Mưa lũ lớn ở Hà Tĩnh: Nỗ lực cứu người, tài sản
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ lớn, tỉnh Hà Tĩnh đã ra công điện khẩn triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục.
Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hà Tĩnh, từ 13 giờ ngày 24 đến 7 giờ sáng 25-5, trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa rất lớn gây ra lũ, ngập bất ngờ nhiều nơi.
Lũ cuốn trôi tài sản từ nhà ra ngoài đồng
Cụ bà Hoàng Thị Thái (80 tuổi) và nhiều người già ở xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết: “Chưa bao giờ gặp mưa như trút nước, gây ngập lũ vào đầu tháng 5 như năm nay. Trước đây, mưa lũ thường xảy ra bắt đầu từ tháng 10”.

Mưa lũ lớn ngập lúa ngoài đồng của người dân chưa kịp thu hoạch. Ảnh: ĐL
Sau nhiều ngày nắng nóng đầu hè, mưa giông lớn kéo dài từ chiều 24 đến sáng 25-5 khiến nước dâng nhanh, nhiều hộ dân ở huyện Cẩm Xuyên đã không kịp trở tay để kê cao tài sản. Tại xã Cẩm Duệ và xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên), lũ ống bất ngờ xuất hiện cuốn trôi nhiều tài sản của người dân.
Ông Võ Tá Kỷ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, cho biết có bảy thôn trên địa bàn xã bị ngập, trong đó có khoảng 150 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu thôn Tân Duệ và thôn Quang Trung bị ngập sâu.
Lượng mưa tại các trạm đo mưa tự động tại trạm hồ Kẻ Gỗ là 524,4 mm; hồ Sông Rác 406,8 mm; hồ Thượng Sông Trí 599,2 mm; hồ Khe Xai 416,2 mm; hồ Mạc Khê 327,8 mm; hồ Thượng Tuy 392,8 mm...
Chính quyền địa phương cùng lực lượng công an, quân sự, dân quân… thức trắng đêm khẩn trương sơ tán người già, trẻ em ở hai xã Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ và di chuyển, kê cao tài sản cho dân. Thời điểm này, người dân miền Trung đang vào mùa thu hoạch lúa, nhiều hộ dân đã kịp gặt đưa lúa về nhà nhưng lại bị lũ cuốn trôi hoặc ngập hỏng. Trong khi đó, lúa chín trĩu bông ngoài đồng cũng bị chìm trong nước lũ.
Ông Phan Thanh Hùng (trú thôn Mỹ Đông, xã Cẩm Mỹ) nói trong nước mắt: “Đêm qua, lũ ống bất ngờ kéo về khiến gia đình tôi không kịp trở tay. Lũ xô đổ 35 m hàng rào quanh nhà, nhiều vật dụng sinh hoạt như tủ gỗ, nồi niêu, chăn màn… bị ngâm nước, vùi trong bùn đất. Lúa vừa thu hoạch về được chất tạm trong góc sân chưa kịp kê cao đã bị nước lũ tràn vào nhấn chìm rồi”.

Rạng sáng 25-5, nước lũ dâng lên nhanh ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) khiến nhiều hộ dân không kịp trở tay. Ảnh: ĐL
Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh cho biết mưa lũ diễn biến phức tạp khiến 2.250 ha vụ lúa đông xuân chưa thu hoạch của người dân Hà Tĩnh bị ngập, 2.076 tấn lúa đã thu hoạch bị ướt, 397 ha cây trồng các loại bị ngập.
Riêng huyện Cẩm Xuyên có 690 ha lúa bị ngập, hơn 1.800 tấn lúa bị ướt, hơn 175 ha hoa màu bị hư hỏng; hơn 11.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 11 tấn phân bón bị ướt, 80 m tường rào bị đổ.
Tại huyện Kỳ Anh, ngập 150 hộ ở xã Kỳ Văn, mức độ ngập từ 30 cm đến 1 m. TP Hà Tĩnh có xã Tân Lâm Hương bị ngập cục bộ tại một số nhà dân. Ba tàu cá nhỏ của ngư dân ở xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh) bị chìm.
Tập trung cứu người, cứu tài sản
Thấy mưa xối xả, sáng 25-5, ông Nguyễn Văn Hòa (trú xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã đi qua sông đến gò đất ở khu vực Đượng Chợ (ven sông Rào Xé thuộc thôn Yên Bình) để dắt bò của gia đình chăn thả trước đó về chuồng.
Tuy nhiên, lũ lên quá nhanh khiến ông Hòa mắc kẹt trong dòng nước đục ngầu. Công an xã Lộc Yên phải phối hợp với lực lượng Ban chỉ huy quân sự xã Lộc Yên nỗ lực ra cứu được ông Hòa vào bờ an toàn.

Công an giúp người dân sơ tán tài sản lên vị trí cao, khô ráo. Ảnh: ĐL
Nước lũ dâng kéo theo một lượng rất lớn lục bình trôi xuống vùi lấp cả những cánh đồng lúa người dân ở xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh).
Ông Võ Tiến Sửu, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phong, cho biết: “Chúng tôi đã huy động tối đa lực lượng, người dân mang dụng cụ ra để đẩy bèo ra khỏi ruộng, cứu lúa. Sau đó, chúng tôi sẽ thuê máy múc bèo lên khỏi vùng nước để tránh bèo tiếp tục trôi dạt xuống ruộng lúa khi có mưa to, nước sông dâng lên”.
Chính quyền địa phương cùng lực lượng công an, quân sự, dân quân… thức trắng đêm khẩn trương sơ tán người già và trẻ em ở xã Cẩm Duệ và Cẩm Mỹ và di chuyển, kê cao tài sản.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã cử lực lượng xuống trực tiếp giúp dân sơ tán tài sản và dọn dẹp sau mưa lũ. Tại huyện Cẩm Xuyên - địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang hỗ trợ người dân di dời tài sản và khắc phục hậu quả thiên tai.
Hơn 50 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 841 phối hợp cùng lực lượng Ban chỉ huy quân sự huyện Cẩm Xuyên và dân quân tự vệ tại chỗ triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và giúp người dân khắc phục hậu quả lũ lụt.
Chúng tôi đã chủ động phối hợp với chính quyền các xã để rà soát những khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất, từ đó bố trí lực lượng dân quân ứng trực suốt đêm 24-5 và rạng sáng 25-5. Ngoài việc hỗ trợ sơ tán người dân đến nơi an toàn, chúng tôi còn cử các tổ công tác đến từng hộ bị ngập để hỗ trợ vận chuyển tài sản, lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết và đang giúp dân khắc phục hậu quả.
Thượng tá Trần Danh Thắng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Cẩm Xuyên
Trong ngày 25-5, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục mưa lũ tại Cẩm Xuyên và các địa phương trong tỉnh. Ông Lĩnh yêu cầu rà soát, nắm rõ các vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, vùng trũng thấp để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân.
Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh gửi công điện khẩn, do Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng ký ban hành, yêu cầu toàn hệ thống chính trị từ tỉnh Hà Tĩnh đến cơ sở khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đến chiều tối 25-5, lượng mưa ở địa bàn Hà Tĩnh đã giảm, tuy nhiên một số địa phương vẫn bị ngập lụt, ảnh hưởng lớn đến diện tích lúa vụ đông xuân ngoài đồng chưa thu hoạch, cũng như công tác bảo quản lúa đã thu hoạch về nhà. Mưa lũ cũng tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng ở khu vực vùng trũng thấp.
Nhà máy thủy điện Hố Hô bắt đầu vận hành xả tràn
Ông Trần Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh, lượng mưa tại các trạm đo mưa tự động từ 13 giờ ngày 24-5 đến trưa 25-5 dao động từ 333-420 mm.
Do ảnh hưởng mưa lớn, Nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp ranh tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh) bắt đầu vận hành xả tràn lúc 20 giờ 30 phút đêm 24-5 với lưu lượng xả 174 m3/giây; thời điểm lớn nhất 347 m3/giây và lúc 10 giờ ngày 25-5 xả với lưu lượng 12 m3/giây.