Đề xuất quy định mới về tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước

Về tiền lương của người lao động và Ban điều hành trong doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Nội vụ đề xuất quy định xác định quỹ tiền lương thông qua mức lương bình quân; đơn giá tiền lương ổn định và đối với một số trường hợp, tạm ứng, dự phòng...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thực hiện Nghị định số 44/2025/NĐ-CP ngày 28/2/2025 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Nội vụ đang dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện.

Dự thảo nêu rõ, nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP.

Trong đó, năng suất lao động tính theo hướng dẫn tại Phụ lục dự thảo. Cụ thể, chỉ tiêu tính năng suất lao động do doanh nghiệp lựa chọn theo chỉ tiêu tổng sản phẩm, sản lượng (kể cả sản phẩm, sản lượng quy đổi), hoặc tổng doanh thu hoặc tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương, hoặc lợi nhuận hoặc chỉ tiêu khác phản ánh được đặc điểm, tính chất, hao phí lao động của người lao động.

Chỉ tiêu tính năng suất lao động làm cơ sở xác định tiền lương kế hoạch phải đồng nhất với chỉ tiêu tính năng suất lao động làm cơ sở xác định tiền lương thực hiện.

Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp để loại trừ khi xác định tiền lương, thù lao được quy định tại Điều 4 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP.

Trong đó, việc tính toán tác động của yếu tố khách quan phải được lượng hóa thành giá trị, số liệu cụ thể theo nguyên tắc: Yếu tố khách quan làm tăng năng suất lao động, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận thì phải giảm trừ; yếu tố khách quan làm giảm năng suất lao động, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận thì được cộng thêm vào năng suất lao động, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận khi xác định tiền lương, thù lao.

Cũng theo dự thảo, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch lao động, tuyển dụng, sử dụng lao động và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP.

Việc xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP. Trong đó, đối với doanh nghiệp đã xây dựng thang lương, bảng lương của người lao động, Ban điều hành, Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP thì được quyền tiếp tục thực hiện theo thang lương, bảng lương hiện hành của doanh nghiệp.

Trường hợp thang lương, bảng lương, phụ cấp lương không đảm bảo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP, thì doanh nghiệp phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới thang lương, bảng lương.

Tại điểm b, khoản 1, điều 19 Nghị định 44: Tiền lương của Ban điều hành được trả theo chức danh, chức vụ và kết quả sản xuất, kinh doanh, trong đó mức tiền lương của Tổng giám đốc, Giám đốc (trừ trường hợp Tổng giám đốc, Giám đốc được thuê làm việc theo hợp đồng lao động) tối đa không vượt quá 10 lần so với mức tiền lương bình quân của người lao động.

Theo khoản 2, Điều 6 Nghị định 44, các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do doanh nghiệp quyết định nhưng phải bảo đảm tổng tiền lương của người lao động, Ban điều hành, Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên chuyên trách tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác (nếu có), không vượt quá tổng tiền lương kế hoạch tương ứng của người lao động, Ban điều hành, Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên chuyên trách, trong đó mức tiền lương của Tổng giám đốc, Giám đốc không vượt quá mức tiền lương quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 19 Nghị định này.

Về tiền lương của người lao động và Ban điều hành, tại dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất quy định xác định quỹ tiền lương thông qua mức lương bình quân; xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định và xác định quỹ tiền lương đối với một số trường hợp, tạm ứng, dự phòng và phân phối tiền lương.

Trong đó, xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định, dự thảo đề xuất quy định như sau:

Đơn giá tiền lương ổn định được xác định bằng tổng tiền lương của các năm liền trước năm đầu tiên áp dụng đơn giá, chia cho tổng các giá trị chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, tổng tiền lương là tổng quỹ tiền lương thực tế thực hiện của người lao động, và Ban điều hành của các năm liền trước năm đầu tiên áp dụng đơn giá (tính theo năm tài chính).

Đối với doanh nghiệp xác định đơn giá mà phải sử dụng các quỹ tiền lương thực hiện từ năm 2024 trở về trước, thì quỹ tiền lương thực hiện từ năm 2024 trở về trước gồm quỹ tiền lương thực hiện của người lao động, phần tiền lương thực tế đã chi trả cho Ban điều hành, và tiền thưởng an toàn đối với doanh nghiệp đang thực hiện chế độ thưởng an toàn (nếu có).

Số các năm liền trước bằng số năm doanh nghiệp dự kiến áp dụng đơn giá, tối thiểu 2 năm, tối đa 5 năm.

Tổng các giá trị chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh do doanh nghiệp lựa chọn theo tổng sản phẩm, sản lượng (kể cả sản phẩm, sản lượng quy đổi), hoặc tổng doanh thu, hoặc tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương, hoặc lợi nhuận, hoặc chỉ tiêu khác phản ánh được đặc điểm, tính chất, hao phí lao động của người lao động.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-quy-dinh-moi-ve-tien-luong-trong-doanh-nghiep-nha-nuoc.htm
Zalo