Cơ hội nào để doanh nghiệp hóa chất giảm phụ thuộc nhập khẩu?

Với tốc độ tăng trưởng 10-11%/năm, ngành hóa chất Việt Nam đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp trong nước gia tăng nội lực, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Thách thức từ nhập khẩu nguyên liệu

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương mới đây, ông Nguyễn Tuấn Đạt – Giám đốc dự án Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam cho biết: Doanh nghiệp đầu tư dự án nhà máy sản xuất lốp các loại xe tải nặng radial toàn thép, lốp xe công trình, lốp xe tải trọng, lốp xe tải nhẹ...

Năm 2023, nhà máy chính thức đi vào hoạt động với quy mô khoảng 2 triệu lốp/1 năm. Để phục vụ cho sản xuất lốp năm 2023, số tiền doanh nghiệp phải chi để nhập khẩu nguyên, nhiên liệu sản xuất lốp là 6.000 tỷ đồng.

Đại hội Đảng XIII xác định, hóa chất là một trong những ngành công nghiệp nền tảng. Ảnh minh họa

Đại hội Đảng XIII xác định, hóa chất là một trong những ngành công nghiệp nền tảng. Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Tuấn Đạt, việc phải chi đến 6.000 tỷ đồng để nhập khẩu nguyên, nhiên liệu sản xuất là vô cùng lãng phí, điều này làm gia tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, từ đó làm tăng giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh và ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, cuối năm 2025, nhà máy dự kiến nâng công suất sản xuất thêm 4 triệu lốp/năm để nâng tổng công suất lên thành 6 triệu lốp/năm. Nếu dự án đi vào hoạt động ông Nguyễn Tuấn Đạt cho rằng, số tiền doanh nghiệp phải chi ra để nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ cho sản xuất lốp xe tại Việt Nam trong giai đoạn tới có thể gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với năm 2023.

‘Đây là một sự lãng phí nguồn lực vô cùng lớn đối với doanh nghiệp và cả nền kinh tế Việt Nam’ – ông Nguyễn Tuấn Đạt khẳng định.

Cũng nói về vấn đề thiếu nguyên liệu cho sản xuất lốp tại Việt Nam, ông Yuan Guoqiang – Giám đốc dự án Công ty TNHH Haohua Việt Nam cho rằng: Rất nhiều nguyên liệu quan trọng để sản xuất lốp xe như: Cao su tổng hợp, than đen đều phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

‘Nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến giá thành, tiến độ và chi phí sản xuất của doanh nghiệp’ – ông Yuan Guoqiang khẳng định.

Báo cáo về tình hình xây dựng chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam tại Hội thảo Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam diễn ra mới đây, ông Phạm Huy Nam Sơn – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất – Bộ Công Thương đã thẳng thắn cho rằng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành hóa chất khoảng 10-11%/năm, tuy nhiên quy mô và tốc độ phát triển của ngành công nghiệp hóa chất vẫn chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng phát triển.

‘Nhiều loại nguyên liệu và sản xuất hóa chất còn phụ thuộc vào nhập khẩu; đầu tư cho ngành hóa chất còn hạn chế, cơ cấu đầu tư còn bất hợp lý, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị tăng cao, chưa hình thành chuỗi giá trị các sản phẩm hóa chất trong khu vực và toàn cầu – ông Phạm Huy Nam Sơn thông tin thêm.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành hóa chất khoảng 10-11%/năm. Ảnh: LA

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành hóa chất khoảng 10-11%/năm. Ảnh: LA

Cơ hội cho doanh nghiệp hóa chất trong nước

Theo ông Phạm Huy Nam Sơn, Đại hội Đảng XIII xác định, hóa chất là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, phát triển công nghiệp hóa chất là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cả nước.

Theo đó, nhằm tạo cơ chế, chính sách phù hợp để triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, an toàn và thân thiện với môi trường, trong quá trình xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi), Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ 5 giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, bổ sung các quy định về xây dựng và thực thi chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất; Thứ hai, xây dựng yêu cầu, tiêu chí, quy định đặc thù đối với dự án hóa chất; Thứ ba, ưu đãi đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm; Thứ tư, xây dựng các quy định nhằm quản lý, thúc đẩy mạng lưới tư vấn trong hoạt động hóa chất, hỗ trợ phát triển cả về số lượng và chất lượng; Thứ năm, sửa đổi quy định về thời điểm thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Đạt cho rằng, sản phẩm Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam sản xuất ra chủ yếu để xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới, đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng. Dù yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm đầu vào, doanh nghiệp hóa chất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nếu như họ tìm hiểu rõ các tiêu chí mà doanh nghiệp đưa ra.

Cũng theo chia sẻ từ ông Nguyễn Tuấn Đạt, doanh nghiệp đang mong muốn tìm kiếm những nhà cung cấp nguyên, nhiên vật liệu trong nước để giảm chi phí thời gian, giảm chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên liệu, từ đó giảm thời gian và giá thành cho sản phẩm. Theo đó, nếu các doanh nghiệp hóa chất nội địa quan tâm, có thể đến tìm hiểu, công ty sẽ có phương án hợp tác, hỗ trợ tạo thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu sản xuất và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Để tạo thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp hóa chất, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi). Dự thảo đã bổ sung các quy định về xây dựng và thực thi Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng quy định rõ yêu cầu đối với nội dung chiến lược, giai đoạn lập chiến lược, trách nhiệm xây dựng, thẩm định phê duyệt và trách nhiệm tổ chức thực hiện...

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-hoi-nao-de-doanh-nghiep-hoa-chat-giam-phu-thuoc-nhap-khau-381240.html
Zalo