Đề xuất 'nới lỏng' chính sách nhập tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam
Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, trong đó 'nới lỏng' chính sách cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam.
Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu họp thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Tại dự thảo tờ trình dự án Luật, Bộ Tư pháp cho rằng, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, trong đó "nới lỏng" chính sách cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Nhờ vậy, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số… Qua đó, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới là cần thiết.

Mẫu hộ chiếu của Việt Nam. (Ảnh: Quang Việt)
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Theo đó, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi quy định về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp có cha hoặc mẹ hoặc ông bà nội hoặc ông bà ngoại là công dân Việt Nam; nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài… được nhập quốc tịch Việt Nam.
Cụ thể, với người chưa thành niên có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thì không cần đáp ứng điều kiện "có năng lực hành vi dân sự đầy đủ".
Bên cạnh đó, người xin nhập quốc tịch Việt Nam nếu có cha hoặc mẹ hoặc ông bà nội hoặc ông bà ngoại là công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì được miễn các điều kiện: Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam, đang thường trú ở Việt Nam, thời gian thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam; có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Dự thảo Luật cũng bỏ quy định về trường hợp đặc biệt được nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài. Thay vào đó, Bộ Tư pháp đề xuất giao quyền quy định các điều kiện cụ thể với trường hợp này cho Chính phủ.
Tại dự thảo Luật, Bộ Tư pháp đề xuất bãi bỏ nhiều điều kiện đối với người đã mất quốc tịch Việt Nam có nguyện vọng xin trở lại.
Cụ thể, bỏ quy định về 6 trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam, gồm: Xin hồi hương về Việt Nam; có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có lợi cho Nhà nước; thực hiện đầu tư tại Việt Nam; đã thôi quốc tịch Việt Nam, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.
"Như vậy, tất cả các trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được xét trở lại quốc tịch Việt Nam. Theo đó, tên của Điều này được sửa đổi thành "Điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam" bảo đảm phù hợp với nội dung", dự thảo tờ trình nêu rõ.
Chính phủ sẽ quy định trường hợp mang 2 quốc tịch
Dự thảo Luật cũng bỏ quy định "Người được trở lại quốc tịch Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài", đồng thời trao quyền cho Chính phủ quy định các trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam được phép đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài.
Điều kiện tiên quyết cho phép giữ hai quốc tịch là phải phù hợp với pháp luật của quốc gia mà người đó mang quốc tịch và không gây phương hại đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân, cũng như không xâm hại đến an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Lý giải về đề xuất này, Bộ Tư pháp cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất là sự hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… các quốc gia trên thế giới đều đang có xu hướng mở rộng và linh hoạt hơn trong chính sách quốc tịch.
Hiện nay, trên thế giới có 78 quốc gia áp dụng nguyên tắc một quốc tịch (trong đó có 51 quốc gia áp dụng nguyên tắc một quốc tịch triệt để và 27 quốc gia chấp nhận trường hợp công dân có hai quốc tịch trong các trường hợp ngoại lệ như: Áo, Na Uy, Hà Lan, Hàn Quốc,…); có khoảng 66 quốc gia không có quy định về nguyên tắc một quốc tịch.
Cơ quan soạn thảo dẫn số liệu, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người, sinh sống tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, tính đến tháng 3/2025 có 229.336 người được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam.
Việc thay đổi chính sách pháp luật quốc tịch của một số nước (cho phép công dân có thể mang 2 quốc tịch) trong thời gian gần đây (như Cộng hòa Séc, Cộng hòa liên bang Đức) dẫn đến các trường hợp trước đây đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài bày tỏ nguyện vọng xin trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài có dấu hiệu tăng.
Tại Chương trình "Xuân Quê hương" hằng năm, đại diện cộng đồng người Việt Nam đều đề đạt nguyện vọng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài.
Tính đến tháng 3 vừa qua, Chủ tịch nước quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam đối với 311 trường hợp và cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 7.014 trường hợp. Trong đó, 60 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài, với phần lớn là những người có công lao đặc biệt đóng góp cho đất nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, Bộ Tư pháp thấy rằng, một số quy định hiện hành liên quan đến thủ tục nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam chưa thực sự tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được có quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài; chưa thu hút được nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Chiều 31/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về chính sách miễn thị thực đơn phương và chính sách ưu đãi thị thực với một số đối tượng; việc quay trở lại quốc tịch Việt Nam với người Việt Nam ở nước ngoài.
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ cho rằng cần xem xét theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam.
Việc này khẳng định sự coi trọng, quan tâm của Đảng, Nhà nước với người Việt Nam ở nước ngoài, đáp ứng nguyện vọng của bà con, góp phần tiếp tục phát huy mạnh mẽ nguồn lực quan trọng từ kiều bào ta ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.