Đề xuất ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của Quốc hội có thể khác với thời điểm ngày 20-5 và 20-10

Ngày 15-5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi tại phiên họp ngày 15-5. Ảnh QUANG PHÚC

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi tại phiên họp ngày 15-5. Ảnh QUANG PHÚC

Trình bày Tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết: Luật Tổ chức Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung về nội dung: Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Kỳ họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

 Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Tờ trình cũng đề cập đến việc điều chỉnh một số quy định liên quan đến tổ chức bộ máy, trong đó khẳng định Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, đề xuất bổ sung quy định về việc quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ tại các kỳ họp sau kỳ họp thứ nhất nếu cần thiết, bảo đảm phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ.

Về quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, tờ trình đề xuất cho phép đại biểu vắng mặt gửi ý kiến bằng văn bản tới Tổng Thư ký Quốc hội và khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động, tương tác với cử tri.

Đáng chú ý, để tăng tính linh hoạt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất bổ sung quy định cho phép thay đổi ngày khai mạc kỳ họp thường lệ – không cố định vào ngày 20-5 và 20-10 – trong những trường hợp thật sự cần thiết và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh, đồng thời đề nghị ứng dụng công nghệ số, như qua App Quốc hội, trong việc tiếp nhận báo cáo xin vắng mặt của đại biểu. Một số ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể thời hạn và đơn giản hóa thủ tục xin nghỉ để đảm bảo minh bạch, thuận tiện.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-xuat-ngay-khai-mac-ky-hop-thuong-le-cua-quoc-hoi-co-the-khac-voi-thoi-diem-ngay-20-5-va-20-10-post795338.html
Zalo