Đề xuất nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh- Nội Bài lên cao tốc 6 làn xe
Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Nội Bài dài khoảng 30 km vừa được Bộ Xây dựng giao cho các đơn vị nghiên cứu đề xuất mở rộng từ 4 làn xe thành cao tốc 6 làn xe hoàn chỉnh theo quy hoạch.
Quốc lộ 18 dài 324 km, có điểm đầu tại Hà Nội sau đó đi qua các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh (điểm cuối). Tuyến đường với hai hình thức đầu tư khác nhau và được hoàn thành cách đây 20 năm. Tuyến đường được đầu tư theo tiêu chuẩn đường quốc lộ, rộng 4 làn xe, tốc độ xe lưu thông tối đa từ 80 - 90 km/h.

Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn hiện nay sẽ kết nối với cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long trong tương lai.
Đối với đoạn Hà Nội - Bắc Ninh dài khoảng 30 km được đầu đầu tư bằng ngân sách, do Ban Quản lý dự án 18, Bộ Giao thông Vận tải trước đây làm chủ đầu tư; đối với đoạn Bắc Ninh - Quảng Ninh được đầu tư theo hình thức BOT do Công ty cổ phần Đại Dương làm đại diện liên danh thi công, hoàn thành và đang thu phí hoàn vốn.
Do là tuyến đường huyết mạch, ngoài kết nối các tỉnh Đông Bắc với sân bay Nội Bài, tuyến đường còn kết nối với các cao tốc quan trọng như Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang, quốc lộ 1, quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 5.., hàng ngày QL18 có rất đông phương tiện lưu thông, nhiều thời điểm xảy ra ùn tắc kéo dài.
Hạ tầng giao thông trong đó có mặt đường, hệ thống bảo đảm giao thông đang không đáp ứng được nhu cầu lưu thông của phương tiện. Cụ thể, mặt đường nhiều đoạn xuống cấp, ổ gà; nhà dân, khu dân cư nằm sát hai bên đường… Thực trạng này làm cho nhiều đoạn trên tuyến đường trở thành đường đô thị, xe chỉ có thể lưu thông với tốc độ 30 đến 50 km/h trong khi tốc độ thiết kế và được tổ chức giao thông tối đa là 80 - 90km/h.
Từ thực tế lưu lượng tăng và cụ thể quy hoạch các tuyến cao tốc quốc gia, trong đó có cao tốc Hạ Long - Nội Bài (CT09), Tập đoàn Đèo Cả vừa đề xuất Bộ Xây dựng cho thực hiện các bước để lập dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng QL18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh thành cao tốc. Hình thức thực hiện và quản lý dự án, nhà đầu tư cũng đề xuất là theo phương thức đối tác công tư (PPP), không sử dụng ngân sách nhà nước.
Nhà đầu tư cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu, xây dựng dự án, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; cùng với đó nhà đầu tư Đèo Cả mong muốn được tham gia đấu thầu để trở thành nhà đầu tư thực hiện dự án theo các quy định của pháp luật.