Đề xuất loạt giải pháp ngăn KOL, KOC quảng cáo 'láo', quảng cáo trá hình để né thuế

Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) quy định, người có ảnh hưởng khi quảng cáo sản phẩm phải xác minh về độ tin cậy của người quảng cáo, phải kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo. Nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ thì không được quảng cáo.

KOL, KOC không được quảng cáo nếu chưa dùng hoặc chưa hiểu về sản phẩm, dịch vụ

Sáng nay (10/5), Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và thảo luận tại hội trường về dự thảo luật này.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Luật Quảng cáo (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến trong bối cảnh hàng loạt bê bối về sữa giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả, hàng tiêu dùng giả… được phanh phui. Đáng nói, thời gian qua, rất nhiều hàng giả được tiêu thụ rộng rãi là nhờ sự tiếp tay của những người có ảnh hưởng, (KOL - người có sức ảnh hưởng, KOC - người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường). Vì vậy, siết lại các quy định của Luật Quảng cáo, đặc biệt là hoạt động quảng cáo của các KOL, KOC được dư luận hết sức quan tâm.

Điều 15a dự thảo Luật quy định, người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo ngoài các nghĩa vụ chung thì còn phải tuân thủ thêm 3 nghĩa vụ nữa.

Một là xác minh về độ tin cậy của người quảng cáo.

Hai là kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo; trường hợp chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thì không được giới thiệu về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.

Ba là thông báo trước đến người tiếp nhận quảng cáo về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, việc dự thảo Luật có những quy định riêng cho người có ảnh hưởng nhằm nhấn mạnh đến trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong xã hội khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo, khắc phục thực tế hiện nay, nhiều người có ảnh hưởng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng sự thật, gây bức xúc, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Về chế tài xử lý đối với người có ảnh hưởng, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các quy định khác theo góp ý của đại biểu.

Nhiều người nổi tiếng tham gia quảng cáo sữa giả.

Nhiều người nổi tiếng tham gia quảng cáo sữa giả.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định quảng cáo với người có ảnh hưởng (nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ thì không được quảng cáo về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ; phải xác minh về độ tin cậy của người quảng cáo; phải kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo).

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định các nghĩa vụ trên nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong việc chuyển tải sản phẩm quảng cáo bởi đây là đối tượng có một lượng lớn người theo dõi và tin tưởng; lời nói và hành động của họ có tác động mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Do đó, họ cần có trách nhiệm với những thông tin mình truyền tải. Quy định này buộc người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn đối tác quảng cáo, tránh tiếp tay cho những hành vi quảng cáo gian dối. Do đó, các quy định trên là cần thiết.

Ngăn quảng cáo trá hình đế trốn trách nhiệm, né thuế

Một thực tế hiện nay nữa là nhiều người, đặc biệt là người nổi tiếng- khi quảng cáo trên mạng có dấu hiệu nhập nhèm, vừa để “né” thuế, vừa khiến người tiêu dùng không phân biệt được có phải quảng cáo hay chỉ là nội dung chia sẻ thông thường.

Để khắc phục tình trạng này, Điều 23 dự thảo Luật quy định, hoạt động quảng cáo trên mạng phải có dấu hiệu nhận diện rõ ràng để phân biệt giữa nội dung quảng cáo với các nội dung khác không phải quảng cáo.

Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải có tính năng, biểu tượng dễ nhận biết cho phép người tiếp nhận quảng cáo tắt quảng cáo, thông báo nội dung quảng cáo vi phạm cho nhà cung cấp dịch vụ, từ chối xem nội dung quảng cáo không phù hợp.

Đối với những quảng cáo có chứa đường dẫn đến nội dung khác thì nội dung được dẫn đến phải tuân thủ quy định của pháp luật; người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo có giải pháp kiểm tra, giám sát nội dung được dẫn đến…

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, nhiều người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trên mạng lợi dụng những tính năng của mạng xã hội và các ứng dụng để quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nhưng không thừa nhận hoạt động quảng cáo nhằm mục đích tránh thực hiện nghĩa vụ về thuế, tránh việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp nội dung sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Luật Quảng cáo.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung các quy định về nghĩa vụ với người có ảnh hưởng khi tham gia truyền tải quảng cáo (Điều 15) và quy định về nhận diện hoạt động quảng cáo (Điều 23).

Dự thảo cũng bỏ quy định: “Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội thì người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng phải trực tiếp sử dụng sản phẩm” do tính khả thi không cao.

Thay vào đó, dự thảo Luật quy định chung về nghĩa vụ, trách nhiệm của người có ảnh hưởng chuyển tải sản phẩm quảng cáo đối với các loại hàng hóa này.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/de-xuat-loat-giai-phap-ngan-kol-koc-quang-cao-lao-quang-cao-tra-hinh-de-ne-thue-d281127.html
Zalo