'Không thể cứ hoa hậu, diễn viên đẹp là có thể quảng cáo'

Không thể cứ hoa hậu, diễn viên đẹp là có thể quảng cáo bởi người thực hiện quảng cáo phải có sự hiểu biết về sản phẩm, như vậy mới ràng buộc được quyền và nghĩa vụ của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng. Đây là ý kiến của đại biểu khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Tiếp tục kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 10/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Các địa biểu đã tập trung thảo luận, trong đó đề xuất tăng trách nhiệm với người quảng cáo, đặc biệt là người nổi tiếng, người có ảnh hưởng.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai)

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai)

Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai), các nội dung đề xuất sửa đổi lần này cần làm rõ các quy đinh chặt chẽ hơn về “người có ảnh hưởng” thực hiện truyền tải quảng cáo.

Theo đại biểu, khái niệm “người có ảnh hưởng”đã được quy định tại Nghị đinh 55/2024/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó nêu rõ: “Người có ảnh hưởng là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể được tổ chức, cá nhân kinh doanh tài trợ dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…”.

Các đại biểu tại phiên thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Các đại biểu tại phiên thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay xuất hiện “người có ảnh hưởng” không thuộc những người nêu trên mà lại là những người “gây chú ý” bằng các chiêu trò trên mạng xã hội do vậy có nhiều người quan tâm, theo dõi, do vậy cần phải làm rõ khái niệm này. Bên cạnh đó, nội hàm này cũng cần có nêu rõ “người có ảnh hưởng” nhưng cần phải có sự hiểu biết về sản phẩm chứ không thể cứ “hoa hậu, diễn viên đẹp” là có thể quảng cáo sản phẩm.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) nêu, vừa qua đã xuất hiện tình trạng người nổi tiếng như hoa hậu, diễn viên, MC truyền hình tham gia quảng cáo các sản phẩm. Ví dụ như Quang Linh Vlogs và tiktoker Hằng “Du mục” bị bắt về hành vi sản xuất hàng giả và lừa dối khách hàng đã gây xôn xao dư luận. Ngoài ra, hoa hậu Thùy Tiên bị tạm hoãn xuất cảnh để phục vụ công tác điều tra; MC Quang Minh, MC Vân Hugo bị phạt hàng chục triệu đồng do vi phạm quảng cáo sản phẩm sữa…

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh)

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh)

Những vụ việc này cho thấy sự cần thiết của việc siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo, đặc biệt là đối với người nổi tiếng. Tuy nhiên, vừa qua xuất hiện tình trạng nhiều người nhận được sự quan tâm của những người gây chú ý mà không phải người nổi tiếng, ví dụ như quảng cáo “lòng se điếu” đã quảng cáo không đúng sự thật, gây chú ý của dư luận. Do vậy, các đại biểu đề xuất bổ sung nội dung cần tăng trách nhiệm của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động quảng cáo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng môi trường quảng cáo lành mạnh, minh bạch.

Dự luật lần đầu đưa ra định nghĩa chính thức về "người có ảnh hưởng", gồm chuyên gia, người có uy tín hoặc cá nhân được xã hội quan tâm trong các lĩnh vực cụ thể. Khi quảng cáo, những người này phải kiểm chứng độ tin cậy và xem xét tài liệu liên quan đến sản phẩm, dịch vụ; đồng thời có nghĩa vụ thông báo rõ với người tiêu dùng rằng mình đang thực hiện quảng cáo.

Nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ, họ không được phép giới thiệu sản phẩm. Các đại biểu đồng tình với nội dung này bởi theo dự thảo trước đó quy định “người nổi tiếng khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm sức khỏe phải chứng minh đã sử dụng” là “khó khả thi và không phù hợp”.

Tiếp thu các nội dung này, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Điều 15a bổ sung các quy định về việc người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải xác minh độ tin cậy của người quảng cáo và kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, dịch vụ mà họ quảng bá.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai sự thật, không đúng với chất lượng sản phẩm, gây tổn hại đến quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, các quy định trong Dự thảo Luật cũng yêu cầu người chuyển tải quảng cáo thông báo trước cho người tiếp nhận quảng cáo về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo.

Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Thông tin và Truyền thông (cũ) đã phối hợp ban hành các bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dành cho người hoạt động nghệ thuật, nhằm siết chặt và nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong quảng cáo trực tuyến.

Cơ quan quản lý đề xuất tăng chế tài xử phạt, có thể cấm người nổi tiếng tham gia quảng cáo nếu vi phạm, đặc biệt trong các trường hợp quảng cáo sai sự thật. Họ cũng có thể bị hạn chế hoạt động nghệ thuật và xuất hiện trên các nền tảng truyền thông, mạng xã hội.

Khiếu Hương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/khong-the-cu-hoa-hau-dien-vien-dp-la-co-the-quang-cao-328530.htm
Zalo