Tinh gọn bộ máy: Bảo đảm đúng nguyên tắc, tiêu chí sắp xếp

Quá trình chuẩn bị cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được các tỉnh thực hiện thận trọng, bảo đảm đúng nguyên tắc, tiêu chí để lựa chọn phương án tối ưu nhất trên tinh thần phát triển chung của địa phương.

Đắk Lắk: Phục vụ tốt nhất cho chính quyền và nhân dân

Thừa ủy quyền, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk Võ Ngọc Tuyên trình bày Tờ trình và các dự thảo Nghị quyết liên quan đến ngân sách, đầu tư công. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Thừa ủy quyền, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk Võ Ngọc Tuyên trình bày Tờ trình và các dự thảo Nghị quyết liên quan đến ngân sách, đầu tư công. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Ngày 25/4, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp chuyên đề lần thứ 18 để xem xét nhiều nội dung quan trọng, cấp thiết, mang tính lịch sử với những thay đổi lớn về đơn vị hành chính, tổ chức, bộ máy, hoạt động của hệ thống chính trị và giải quyết các công việc phát sinh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu tán thành chủ trương sắp xếp 180 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 68 đơn vị hành chính cấp xã mới (gồm 7 phường, 61 xã), giảm 62,22% đơn vị hành chính cấp xã so với hiện tại; ủng hộ chủ trương thành lập tỉnh Đắk Lắk trực thuộc Trung ương trên cơ sở hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên. Đơn vị hành chính tỉnh Đắk Lắk (sau hợp nhất) có diện tích tự nhiên 18.096,40 km2 (đạt 226,20% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 3.346.583 người (đạt 371,87% so với tiêu chuẩn), 102 đơn vị hành chính trực thuộc gồm tỉnh Đắk Lắk (trước sắp xếp) 68, tỉnh Phú Yên 34. Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Thị Chiến Hòa cho biết, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành trong tỉnh đã khẩn trương, chủ động, tích cực, trách nhiệm, nhanh chóng hoàn thiện các Đề án, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và các đơn vị, đối tượng có liên quan để trình Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy chế; trình HĐND các cấp theo quy định.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 10 Nghị quyết quan trọng, trong đó nhóm nghị quyết liên quan đến ngân sách, đầu tư công gồm: Giao dự toán thu, chi từ nguồn tài trợ thuộc nguồn thu ngân sách Nhà nước năm 2025; Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương; Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với phần diện tích bổ sung để thực hiện Dự án thành phần 2 thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (đoạn đi qua tỉnh Đắk Lắk); Phương án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và nguồn trả nợ để đầu tư Dự án giảm thiểu khí thải tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu chương trình hành động quốc gia REDD+ tại tỉnh…

Nhóm nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách gồm: Quy định mức hỗ trợ nguồn ngân sách tỉnh để xóa nhà tạm, nhà đột nát trên địa bàn năm 2025; Sửa đổi Điều 1 của Nghị quyết số 07/2024/NQ- HĐND ngày 12/7/2024 của HĐND tỉnh quy định mức thu học phí từ năm học 2024 - 2025 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn.

Đồng thời, HĐND tiến hành miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Phạm Ngọc Nghị, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (lý do nghỉ hưu).

Cử tri Đồng Tháp thể hiện tinh thần trách nhiệm cao

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến của các Huyện ủy, Thành ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân về dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Tháp. Đa số ý kiến đều thống nhất, đồng thuận về phương án sắp xếp cũng như tên gọi của các xã, phường mới.

Ông Lê Quốc Phong thông tin, quá trình chuẩn bị cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được tỉnh thực hiện thận trọng, qua nhiều vòng, nhiều lần thảo luận để lựa chọn phương án tối ưu nhất; cân nhắc, tính toán trên các yếu tố lợi thế, truyền thống lịch sử và tiềm năng phát triển cho các đơn vị cấp xã mới sau sáp nhập. Tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là có sự phát triển tốt hơn. Trong quá trình sắp xếp cấp xã mới, tỉnh có vận dụng phương thức kết hợp 1 xã hay 2 xã của huyện này với 1 xã liền kề của huyện khác mong muốn mở rộng không gian phát triển.

Đa số cử tri, người dân đồng thuận khá cao, ủng hộ dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, một số người dân còn tâm tư, nguyện vọng liên quan đến tên gọi xã, phường mới; địa giới hành chính... Tỉnh sẽ xem xét thấu đáo, đầy đủ ý kiến góp ý, đề xuất của người dân trên tinh thần chung là có tính phát triển cho đơn vị hành chính cấp xã mới. Ông Lê Quốc Phong yêu cầu, các huyện, thành phố tiếp tục thông tin, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu thêm về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã mà Đồng Tháp thực hiện nhằm tạo sự đồng thuận cao hơn nữa.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh, về tên gọi các xã, phường mới, trước khi tiến hành lấy ý kiến cử tri, Sở đã có liên hệ, trao đổi với một số cấp ủy địa phương. Việc đặt tên ưu tiên lấy tên xã, phường mới theo tên của huyện, thành phố hiện tại; tên gắn với yếu tố lịch sử, truyền thống và ngắn gọn, dễ nhớ; rà soát, không được trùng tên với xã, phường của tỉnh Tiền Giang. Đến nay, tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Tháp sau sắp xếp cơ bản hài hòa.

Đa số các cử tri thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi được lấy kiến. Số cử tri (đại diện hộ) tham gia bỏ phiếu lđạt 95,63%) trong đó, cử tri đồng ý với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Tháp (còn 45 xã, phường) đạt 96,8%.

Trên cơ sở góp ý, kiến nghị của người dân, Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Đồng Tháp đã đề xuất điều chỉnh phương án sắp xếp, tên gọi và nơi đặt trung tâm hành chính một số xã, phường. Cụ thể, điều chỉnh bổ sung phương án thành lập xã Thanh Bình theo hướng nhập thêm ấp Nam, xã Tân Thạnh (phương án trước đó là thành lập xã Thanh Bình trên cơ sở sáp nhập thị trấn Thanh Bình, xã Tân Phú và Tân Mỹ); điều chỉnh tên gọi xã Tam Nông thành xã Tràm Chim và xã Phú Hiệp thành xã Tam Nông. Cùng với đó, tỉnh điều chỉnh tên gọi xã Tân Huề thành xã Tân Long, trung tâm đặt tại xã Tân Bình hiện tại; điều chỉnh trung tâm chính trị - hành chính xã Mỹ Quí mới đặt tại xã Mỹ Quí hiện tại (phương án trước đó là đặt tại xã Mỹ Đông hiện tại).

Theo dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hình chính cấp xã của tỉnh Đồng Tháp, trước khi sắp xếp tỉnh có 141 xã, phường, thị trấn; trong đó có 114 xã, 18 phường và 9 thị trấn. Sau khi sắp xếp, tỉnh dự kiến có 45 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 38 xã và 7 phường (An Bình, Thường Lạc, Hồng Ngự, Cao Lãnh, Mỹ Trà, Mỹ Ngãi và Sa Đéc). Như vậy, sau sắp xếp, tỉnh giảm 96 đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn (đạt 68,09%). Tất cả xã, phường mới đều bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí sắp xếp theo quy định.

Hoài Thu - Nhựt An (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tinh-gon-bo-may-bao-dam-dung-nguyen-tac-tieu-chi-sap-xep-20250425174025235.htm
Zalo