Đề xuất kéo dài đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đến Thành phố Cần Thơ
Các đại biểu cho rằng nếu có đường sắt tốc độ cao kết nối đến Cần Thơ, vùng ĐBSCL sẽ có chuyển biến quan trọng trong cải thiện logistics, mở rộng không gian phát triển.
Tham gia thảo luận về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chiều 20/11, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) bày tỏ nhất trí với chủ trương, đầu tư dự án. Với những ưu thế vượt trội của đường sắc tốc độ cao tác động đối với phát triển kinh tế của đất nước, bà đề nghị mở rộng phạm vi đầu tư, nếu kết nối được hai địa đầu của đất nước thì rất tốt, để tạo điều kiện cho các địa phương có tuyến đường đi qua có điều kiện phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là du lịch.
“Nhưng nếu chưa đảm bảo khả năng nguồn lực thì ít nhất tuyến đường này cũng được kết nối đến Thành phố Cần thơ (thay vì chỉ đến Thủ Thiêm như tờ trình) - thành phố trung tâm của cả vùng ĐBSCL,” đại biểu nêu đề xuất.
Để thuyết phục thêm cho quan điểm, bà Hoa Ry nêu rõ, ĐBSCL có diện tích tự nhiên và dân số lớn, là vùng có vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Do nằm trên tuyến hàng hải của trung tâm khu vực ASEAN, ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế phía Nam của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, kết nối với khu vực Đông Nam Á và thế giới.
“Có thể nói, với tiềm năng to lớn và lợi thế của mình, ĐBSCL hội tụ đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Tuy nhiên, đến nay ĐBSCL lại chưa phát triển tương xứng với lợi thế vốn có, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quan chung của cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng còn nhiều hạn chế, thiếu các hạ tầng quan trọng kết nối vùng làm động lực thúc đẩy phát triển,” đại biểu nêu thực tế.
Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry, một trong những “điểm nghẽn” cho phát triển đối với vùng ĐBSCL đã được Chính phủ, các chuyên gia kinh tế chỉ ra là kết cấu hạ tầng, trong đó trọng tâm là hạ tầng giao thông kết nối đến TP HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ.
Hiện nay, tuyến cao tốc TP HCM - Cần Thơ đã trở thành tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây của TP HCM kết nối các tỉnh, thành ĐBSCL. Mặc dù tuyến cao tốc này đã giải phóng con đường độc đạo Quốc lộ 1 nhưng do quy mô 2 làn xe và lưu lượng phương tiện lưu thông tăng cao (khoảng 52.000 lượt xe/ngày đêm) nên vẫn thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là các dịp lễ, tết. Những yếu tố này đã khiến cho chi phí logistics tăng cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa của vùng ĐBSCL.
“Từ vị trí, vai trò, thực trạng về kết cấu hạ tầng, vùng ĐBSCL như đã nêu trên, tôi thiết nghĩ việc kéo dài tuyến đường sắt cao tốc đến TP Cần Thơ có ý nghĩa rất quan trọng, để giảm tải áp lực giao thông, chống ùn tắc các tuyến đường bộ kết nối từ TP HCM, vùng Đông Nam bộ đi các tỉnh vùng ĐBSCL; đặc biệt là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thương mại, logistic, du lịch của vùng,” đại biểu Trần Thị Hoa Ry nhấn mạnh.
Để các địa đầu Tổ quốc thành điểm đến của nhà đầu tư
Một số đại biểu khác cũng có kiến nghị như bà Hoa Ry. Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau), khu vực miền núi phía Bắc và ĐBSCL là “phên dậu” của quốc gia, là nơi “đầu sóng ngọn gió” nên đang còn nhiều khó khăn. “Các vùng này dù nhiều tiềm năng nhưng do vị trí xa xôi, việc đi lại khó khăn nên dù có trải thảm đỏ thì các nhà đầu tư vẫn không mặn mà,” đại biểu nêu thực tế.
Đại biểu Đoàn Cà Mau cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất của hai vùng này chính là hạ tầng kém, khó thu hút nhà đầu tư. Vì vậy, ông kiến nghị phạm vi đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao điểm đầu là Lạng Sơn và điểm cuối là Cà Mau. Nếu do nguồn lực có hạn, có thể phân kỳ để đầu tư, từ 2025-2035 là Hà Nội - TP HCM và từ 2035-2040 là các đoạn còn lại.
Theo ông, việc xác định phạm vi đầu tư ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đồng bộ trong cả nước thì còn phù hợp với việc đẩy mạnh xuất khẩu sang nước bạn, tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa giữa các cảng nước sâu ở Cà Mau, Sóc Trăng. “Nếu ví quốc gia như một ngôi nhà thì phên dậu có vững chắc, ngôi nhà mới êm ấm, vững chãi. Vì vậy tôi rất mong Quốc hội tiếp tục quan tâm đầu tư đến các vùng biên cương của tổ quốc, để nơi đây không phải là điểm đầu hay điểm cuối mà là điểm đến của các nhà đầu tư,” đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TP HCM) cho rằng, các tỉnh Tây Nam Bộ - có tiềm năng lớn về nông nghiệp, thủy sản, du lịch nhưng lại chưa được kết nối hiệu quả với hệ thống đường sắt quốc gia. Dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, bà cho biết đầu tư vào hạ tầng giao thông có thể giúp tăng trưởng GDP từ 1,5-2% mỗi năm. Việc kết nối TP HCM - Cần Thơ và các tỉnh miền Tây sẽ giúp kết nối logistics, thúc đẩy chuỗi nông sản xuất khẩu.
Giả sử tốc độ khoảng 200-250 km/h, bà Lệ cho rằng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ có thể vận chuyển 50 triệu hành khách/năm, 15 triệu tấn hàng hóa/năm, tiết kiệm chi phí vận chuyển từ ĐBSCL 15-20%, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM - Cần Thơ xuống chỉ còn 1h so với 3-4h như hiện nay... "Vì vậy, tôi mạnh dạn đề xuất đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao TP HCM - Cần Thơ. Đây là tuyến có ý nghĩa chiến lược trong việc kết nối ĐBSCL với TP HCM, sau đó mở rộng tuyến đường sắt tới các tỉnh cực Nam," đại biểu nêu ý kiến.
Phản hồi ý kiến các đại biểu về vấn đề trên tại cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có phạm vi từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP HCM), còn tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, TP HCM - Cần Thơ đã có hai dự án riêng, đang triển khai rất quyết liệt.
Theo Bộ trưởng, cả hai dự án này sẽ làm đường sắt đủ tiêu chuẩn, đó là phối hợp chở cả người và hàng hóa với tốc độ thiết kế chở người từ 160-200km/h, chở hàng hóa là từ 100-120km/h. Hai tuyến này nhu cầu hàng hóa rất cao. Hiện nay, dự án TP HCM - Cần Thơ đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.