Đề xuất hỗ trợ 100% lương hệ số cho cán bộ trực tiếp xây dựng pháp luật

Sáng ngày 15/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã trình bày trước Quốc hội dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo là đề xuất chính sách hỗ trợ tài chính đặc biệt đối với đội ngũ trực tiếp tham gia xây dựng pháp luật.

Theo nội dung dự thảo, những cá nhân trực tiếp và thường xuyên tham gia công tác tham mưu, nghiên cứu chiến lược, chính sách và xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị sẽ được hưởng mức hỗ trợ hằng tháng bằng 100% tiền lương theo hệ số hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp).

Chính sách này áp dụng đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; lãnh đạo, công chức và sĩ quan lực lượng vũ trang đảm nhiệm công tác pháp chế, kiểm tra văn bản pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế; cùng với các nghiên cứu viên tại các cơ quan chuyên trách.

Ngoài ra, đối tượng áp dụng cũng bao gồm các cán bộ, công chức tại bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ quy định. Đối với các trường hợp ngoài phạm vi trên, thẩm quyền xác định thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, chính sách này không áp dụng đối với các chức danh lãnh đạo từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: Gia Hân

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: Gia Hân

Đáng chú ý, thu nhập từ công tác xây dựng pháp luật theo nghị quyết này sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân cũng như các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước.

Theo tờ trình của Bộ Tư pháp, tổng chi ngân sách dự kiến cho chính sách hỗ trợ lương này ước khoảng 216,369 tỷ đồng mỗi năm, bao gồm cán bộ tại cả trung ương và địa phương. Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khẳng định, khoản chi này không gây áp lực lớn đến ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật tối thiểu bằng 0,5% tổng chi ngân sách hàng năm, tương đương khoảng 12.500 tỷ đồng mỗi năm và có xu hướng tăng theo yêu cầu phát triển. Đây là giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt kinh phí trong các hoạt động nghiên cứu, đánh giá chính sách và xây dựng pháp luật thời gian qua.

Dự thảo còn đề cập đến việc thành lập Quỹ Hỗ trợ Xây dựng Chính sách, Pháp luật - một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, với vốn điều lệ ban đầu được bảo đảm từ 0,5% ngân sách dành cho công tác xây dựng pháp luật. Quỹ này có thể tiếp nhận các khoản tài trợ hợp pháp từ tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, dự thảo đề xuất nhiều cơ chế linh hoạt như quy hoạch, biệt phái cán bộ, áp dụng chế độ tự chủ trong lựa chọn hình thức hợp tác hoặc thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn chuyên sâu. Đồng thời, có chính sách ưu tiên tuyển dụng, trọng dụng và đãi ngộ nhân lực chất lượng cao từ các cơ sở đào tạo chuyên sâu.

Nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, dự thảo nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu phát triển cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và triển khai trợ lý ảo phục vụ công tác lập pháp và hành pháp.

Phát biểu thẩm tra, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, bày tỏ sự đồng tình với các đề xuất về cơ chế hỗ trợ tài chính đối với lực lượng trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật, coi đây là một giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật quốc gia.

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/de-xuat-ho-tro-100-luong-he-so-cho-can-bo-truc-tiep-xay-dung-phap-luat-317886.html
Zalo