Bên lề Quốc hội: Bảo vệ doanh nghiệp bằng hậu kiểm minh bạch

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 15/5, đã diễn ra phiên thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Bên lề kỳ họp, các đại biểu quốc hội đã có những chia sẻ xung quanh dự thảo nghị quyết này.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh): Hạn chế thanh tra chồng chéo, minh bạch thuế khoán

Đại biểu Trần Quốc Tuấn Đoàn Quốc hội tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Quốc Tuấn Đoàn Quốc hội tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Quốc hội

Tôi hoàn toàn thống nhất với quan điểm về sự cần thiết ban hành văn kiện này. Đây là bước thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, đánh dấu chuyển biến quan trọng trong nhận thức và hành động của Đảng đối với khu vực kinh tế tư nhân, một động lực then chốt trong phát triển kinh tế đất nước.

Dự thảo đã thể hiện rõ chính sách vượt trội và đột phá, nhằm giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh cả về quy mô lẫn chất lượng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế. Việc Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp này cũng cho thấy sự chủ động, quyết liệt của cơ quan lập pháp trong cải cách thể chế.

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ giảm lo ngại bị hình sự hóa trong các tranh chấp dân sự, nhấn mạnh yếu tố "không làm khó người làm ăn chân chính". Khi các quy định pháp luật được thông qua sẽ bảo vệ doanh nghiệp khỏi rủi ro pháp lý không đáng có; không bị phân biệt so với doanh nghiệp nhà nước hoặc FDI khi tham gia đấu thầu, tiếp cận tín dụng, đất đai, chính sách hỗ trợ khác để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng hơn đối với các nguồn lực; giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế, để có thêm nhiều thương hiệu có sức cạnh tranh toàn cầu.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo nghị quyết, tôi góp ý hai nội dung cụ thể. Thứ nhất, về quy định “Thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng”.

Tôi cho rằng đây là một quy định hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, nhà nước để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh. Nhưng tôi lo rằng, nếu các quy định không rõ ràng, sẽ tạo khoảng trống pháp lý, dễ bị lợi dụng.

Muốn kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh, các quy định pháp luật phải được thiết kế chặt chẽ, thông thoáng và ban hành theo hướng hỗ trợ đặc biệt để tạo thuận lợi tối đa. Từ đó, giúp cho doanh nghiệp tư nhân thật sự là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Bên cạnh đó, bổ sung cơ chế phối hợp liên ngành giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra với các cơ quan khác có liên quan, tránh tạo kẽ hở khiến doanh nghiệp lợi dụng vi phạm nhiều lĩnh vực tại các thời điểm khác nhau. Việc thanh tra cần hiệu quả, không chồng chéo, nhưng vẫn đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về hàng giả, an toàn thực phẩm, môi trường, thuế... tránh gây tổn hại đến quyền lợi người tiêu dùng và nguồn thu ngân sách.

Thứ hai là tôi đồng tình với quy định chuyển hộ, cá nhân kinh doanh từ phương pháp khoán sang kê khai thuế từ 1/7/2026. Điều này nhằm tăng tính công bằng, minh bạch và và hiệu quả trong việc kê khai nộp thuế và quản lý tốt nguồn thu thuế.

Tuy nhiên, cần có lộ trình rõ ràng, hỗ trợ tập huấn, cung cấp thông tin rõ ràng và minh bạch về quy định, thủ tục nộp thuế để giúp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hiểu, dễ dàng thực hiện đúng các quy định về nộp thuế. Ngoài ra, tăng cường công nghệ, tạo cơ chế kiểm tra và giám sát, và tăng cường hợp tác giữa cơ quan thuế và các tổ chức hỗ trợ. Đặc biệt là đẩy mạnh triển khai giải pháp hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt cho các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị): Tránh tùy tiện trong thanh tra

Đại biểu Hà Sỹ Đồng Đoàn Quốc hội tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Hà Sỹ Đồng Đoàn Quốc hội tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Tôi muốn đề xuất một số điểm nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi Nghị quyết. Theo đó, tại Điều 4 về nguyên tắc thanh tra, kiểm tra, cấp phép, tôi kiến nghị bổ sung quy định cơ quan nhà nước không được yêu cầu doanh nghiệp xuất trình giấy tờ do chính cơ quan đó cấp, hoặc đã có sẵn trên cơ sở dữ liệu quốc gia.

Điều này nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và cơ quan nhà nước buộc phải sử dụng các cơ sở dữ liệu điện tử. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp viện dẫn các vụ việc tương tự đã được kết luận trước đó của cơ quan nhà nước để làm căn cứ bảo vệ quyền lợi. Trường hợp có kết luận khác, cơ quan nhà nước phải giải thích rõ ràng, minh bạch tránh tùy tiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cấp phép.

Tôi cũng ủng hộ nguyên tắc không áp dụng hồi tố bất lợi trong xử lý vi phạm (Điều 5.4), nhưng cần cho phép cơ quan nhà nước áp dụng hồi tố có lợi về trách nhiệm hành chính, hình sự. Ngoài ra, nên tăng cường sử dụng biện pháp bảo lãnh, cho tại ngoại với doanh nhân trong tố tụng hình sự, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Về giải quyết phá sản và tranh chấp, tôi đồng ý với thủ tục rút gọn trong phá sản doanh nghiệp nhưng đề nghị mở rộng quy định về giải quyết tranh chấp thương mại. Nút thắt lớn hiện nay là thời gian xét xử kéo dài, tỷ lệ thi hành án thấp (hiện mới đạt dưới 50%), làm giảm lòng tin của doanh nghiệp vào hệ thống tư pháp. Vì vậy, vần đặt mục tiêu nâng tỷ lệ thi hành án thành công lên trên 80% và chỉ hủy phán quyết trọng tài trong trường hợp vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Liên quan đến khiếu nại, tố cáo và tố tụng hành chính, cần có cơ chế cho phép doanh nghiệp khởi kiện các hành vi hành chính, quyết định hành chính của chính quyền tỉnh, huyện tại tòa án nơi khác. Điều này sẽ bảo đảm tính độc lập khách quan.

Cuối cùng tôi cũng đề nghị tăng cường các biện pháp mềm như như các cuộc điều tra, khảo sát đánh giá của doanh nghiệp tư nhân đối với Nhà nước. Chỉ số PCI trong 20 năm qua cho thấy, việc doanh nghiệp phản hồi về chính quyền là thiết thực. Nhà nước nên tiếp tục cấp ngân sách cho các chương trình khảo sát tương tự, giúp phản ánh trung thực tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân trong quá trình hoạch định chính sách.

*Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ): Minh bạch hóa tiêu chí “tuân thủ tốt”

Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn Quốc hội tỉnh Cần Thơ. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn Quốc hội tỉnh Cần Thơ. Ảnh: Quốc hội

Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân, nhiều nội dung quan trọng đã được đóng góp nhằm tăng tính minh bạch, khả thi và hiệu lực thực thi.

Tại khoản 5 Điều 4, quy định miễn kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tuân thủ tốt quy định pháp luật, cần nêu rõ tiêu chí cụ thể thế nào là "tuân thủ tốt". Nếu không có tiêu chuẩn cụ thể, quy định này có thể dẫn đến sự không minh bạch hoặc thiên vị trong việc áp dụng.

Tại dự thảo cũng quy định thực hiện chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với xu thế cải cách. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ và công cụ hỗ trợ như hệ thống dữ liệu điện tử, công nghệ số. Điều này có thể làm giảm hiệu quả quản lý, đặc biệt trong các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, hoặc quản lý xây dựng.

Về giải quyết phá sản doanh nghiệp theo thủ tục rút gọn, theo tôi cần thiết lập nền tảng xử lý trực tuyến, đặc biệt cho doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, giúp đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và tăng minh bạch.

Thùy Dương - Thúy Hiền/BNEWS (thực hiện)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ben-le-quoc-hoi-bao-ve-doanh-nghiep-bang-hau-kiem-minh-bach/373721.html
Zalo