Đề xuất giúp tiết kiệm 1.000-1.500 tỷ đồng in phim chụp, bệnh nhân bớt chờ đợi

Theo Bộ Y tế, năm 2023 có tổng cộng 40 triệu lượt chụp phim, tiền phim là 1.500 tỷ đồng. Nếu sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay vì in phim ở các bệnh viện, trung bình một năm sẽ tiết kiệm tối thiểu 1.000-1.500 tỷ đồng.

Theo mục tiêu do Chính phủ và Bộ Y tế giao, trước 30/9, các bệnh viện trên toàn quốc phải hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Tuy nhiên, đến tháng 5, chỉ có khoảng 180 trên tổng số hơn 1.700 bệnh viện công bố triển khai bệnh án điện tử, bỏ sử dụng bệnh án giấy.

Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) là hợp phần không thể thiếu trong bệnh án điện tử. Nhiều viện dùng PACS đang vướng mắc trong việc không được thanh toán các dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng PACS do không có giá thanh toán.

Chuyển dùng bệnh án điện tử nhưng vẫn phải in phim nhựa

Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Trọng Quỳnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ cho biết, việc dùng bệnh án điện tử và lưu trữ hình ảnh trên PACS giúp giảm in ấn giấy tờ, tiết kiệm chi phí vận hành, bảo quản hồ sơ, bảo vệ môi trường...

Người bệnh chụp chiếu xong không phải nhận phim mà có thể xem kết quả chụp ngay trên điện thoại, máy tính qua mã QR, ứng dụng, link...

Tuy nhiên, vì không được bảo hiểm thanh toán nếu không có phim in, nhiều bệnh viện vẫn phải duy trì in phim dù đã chuyển dùng bệnh án điện tử.

Riêng một trung tâm y tế huyện ở Phú Thọ dành hơn 1,1 tỷ đồng mỗi năm để nhập phim về in cho bệnh nhân. Bệnh viện Bạch Mai, một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước, mỗi năm tốn 70 tỷ đồng cho việc in phim, thêm 3 tỷ đồng mua mực.

Bộ Y tế dẫn báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2023 có tổng cộng 40 triệu lượt chụp phim, tiền phim là 1.500 tỷ đồng. Nếu sử dụng hệ thống PACS, trung bình một năm sẽ tiết kiệm tối thiểu 1.000 - 1.500 tỷ đồng.

Yêu cầu phải in phim chụp nếu muốn được thanh toán BHYT đặt các bệnh viện trước cảnh chịu tốn “chi phí kép”: vừa mất tiền tỷ chi phí mua, in, lưu giữ và tiêu hủy phim chụp, mua túi đựng phim (khoảng 3.000-6.000 đồng/chiếc tùy loại); vừa mất chi phí vận hành, bảo trì thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống PACS.

Đề xuất mới kỳ vọng giúp bệnh viện tiết kiệm, bệnh nhân hưởng lợi

Theo Bộ Y tế, hiện có 26 cơ sở khám chữa bệnh được tham gia đề án thí điểm hệ thống PACS, được thanh toán BHYT mà không cần in phim. Số bệnh viện còn lại không được áp dụng, nghĩa là muốn được thanh toán, bắt buộc phải in phim.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh không còn in phim nhựa, kết quả chụp phim, xét nghiệm được trả cho bệnh nhân qua mã QR, ứng dụng và phòng khám ban đầu. Ảnh: Võ Thu

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh không còn in phim nhựa, kết quả chụp phim, xét nghiệm được trả cho bệnh nhân qua mã QR, ứng dụng và phòng khám ban đầu. Ảnh: Võ Thu

Trong tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 7/5, Bộ Y tế đề xuất, xin ý kiến quy định về thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh không in phim.

Cơ quan này đang xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để xây dựng giá dịch vụ chẩn đoán hình ảnh sử dụng hệ thống PACS để có cơ sở thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Để giải quyết vướng mắc cho các bệnh viện, trong thời gian chờ phê duyệt giá, dự thảo nghị định đề xuất cho phép áp dụng thanh toán bằng mức giá của dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tương ứng có in phim trừ đi 50% chi phí in phim.

Theo Bộ Y tế, việc không phải in phim có thể tiết kiệm được chi phí vật tư, song bệnh viện phải đầu tư mua sắm thiết bị công nghệ thông tin, chi phí phần mềm, nhân lực và nhiều chi phí liên quan khác để triển khai. Do đó, các chi phí này được thanh toán bằng 50% chi phí in phim để các cơ sở có kinh phí thực hiện.

Ví dụ, một lần chụp phim X-quang tim phổi có giá 64.000 đồng, trong đó tiền phim hết khoảng 26.000 đồng. Nếu bệnh viện sử dụng PACS không in phim, theo đề xuất của Bộ Y tế, BHYT sẽ thanh toán 13.000 tiền phim. Tổng cộng phía bảo hiểm sẽ thanh toán cho viện 51.000 đồng/lần chụp. Bệnh viện sử dụng 13.000 đồng này để tái đầu tư phần mềm, nhân lực, mua sắm khác...

Giám đốc một bệnh viện cấp cơ bản tại Hà Nội cho biết, đề xuất mới của Bộ Y tế được kỳ vọng giúp các bệnh viện không chỉ tiết tiết kiệm chi phí mua phim, giảm thiệt hại do khấu hao in hỏng hay chi phí mua túi đựng phim mà còn có lợi cho bệnh nhân, giúp đẩy nhanh tốc độ, thời gian thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng.

Ví dụ trước đây để chụp và in phim chụp X-quang hết khoảng 5 phút/lượt chụp bệnh nhân. Nếu chỉ chụp mà không phải in phim, bệnh nhân chỉ mất 2 phút, thầy thuốc tiết kiệm 3 phút, giúp số bệnh nhân được chụp chiếu hơn, tăng sự hài lòng của người bệnh.

Bệnh nhân cũng không phải lỉnh kỉnh cầm túi phim hay băn khoăn cách bảo quản. Việc lưu trữ phim số hóa giúp bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến hội chẩn với hình ảnh chính xác, không bị tác động bởi môi trường, bảo quản.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-xuat-giup-tiet-kiem-1-000-1-500-ty-dong-in-phim-chup-benh-nhan-bot-cho-doi-2400204.html
Zalo