Cảnh sống khó tin ở làng 'nhiều cái không' kẹt giữa Quảng Nam và Kon Tum
Suốt 3 thập kỷ qua, hơn 1.000 người dân ở thôn 3 (xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) phải sống lay lắt trên đất của tỉnh Kon Tum.
XEM CLIP:
Ngôi làng "nhiều cái không" giữa đại ngàn
Mất hơn 2 tiếng băng rừng, vượt qua những đoạn dốc đá cao ngất và lầy lội, PV VietNamNet mới đến được thôn 3, xã Trà Vinh - nơi có hơn 1.000 người đồng bào Xơ Đăng sinh sống trong cảnh biệt lập, cách trở và thiếu thốn đủ đường.
Ở đây không có điện lưới, không có nước sạch, không có trạm y tế, không thông tin liên lạc… Những căn nhà sàn bằng gỗ cũ kỹ nằm rải rác theo triền đồi, sát bên là vực sâu. Đường đi từ nhà này sang nhà khác chỉ là lối mòn men theo vách đá.

Đường từ trung tâm xã Trà Vinh vào thôn 3 dài hơn 10km, PV VietNamNet phải đi bộ khoảng 2 giờ mới tới nơi. Ảnh: C.Đ
Người dân nơi đây có hộ khẩu Quảng Nam nhưng phần lớn đất ở lại thuộc địa phận xã Đăk Nên (huyện Kon Plông, Kon Tum), theo bản đồ địa giới lập từ năm 1991. Vì vậy, cả hai địa phương đều không thể thực hiện đầu tư công trình dân sinh, khiến người dân rơi vào “khoảng trống chính sách”.
Bên hiên ngôi nhà gỗ xiêu vẹo, anh Hồ Văn Cảnh (32 tuổi) trầm giọng kể về những bi kịch đã trở thành điều quen thuộc.

Những căn nhà gỗ nhỏ đơn sơ ở ngôi làng nằm biệt lập giữa núi rừng. Ảnh: Hà Nam
Do sống tách biệt với bên ngoài, người dân trong thôn mỗi lần đau ốm đều như đánh cược với số phận. Đường sá xa xôi, từ làng ra đến trung tâm y tế huyện dài hàng chục cây số. Khi có người bệnh nặng, cả làng phải thay nhau khiêng bằng võng, băng rừng lội suối suốt nhiều giờ mới tới được trạm xá gần nhất.
“Mới đây, trong thôn có 2 người tử vong vì không kịp đưa đi cấp cứu, trong đó có cháu bé 5 tuổi bị sốt cao”, anh Cảnh nói.

Anh Hồ Văn Cảnh cho biết, người dân nơi đây vẫn sống khá biệt lập với bên ngoài. Ảnh: Hà Nam
Việc học hành của con trẻ cũng là gánh nặng không nhỏ. Từ lớp 3 trở đi, các em nhỏ phải xuống xã Trà Vinh cách nhà hơn 10km để học nội trú. Lên cấp 3 thì xuống tận trung tâm huyện Nam Trà My. Bởi vậy, nhiều đứa trẻ nơi đây chỉ học hết lớp 9.
“Hai đứa con tôi học lớp 3 và lớp 7, phải đi bộ gần 3 tiếng mới đến được trường. Gặp mưa gió, đường sạt lở, nguy hiểm lắm”, anh Cảnh chia sẻ.
Chật vật giữa bốn bề khốn khó
Giữa trưa, mây đen kéo đến bất chợt, bao trùm lên ngôi làng nhỏ cô độc. Ở vùng núi này, mưa đến đột ngột, ào ào đổ xuống khiến người dân không kịp trở tay.
Từ gian bếp, chị Nguyễn Thị Quỳnh (23 tuổi) vội vã chạy ra khiêng nong lúa đang phơi dở. Cũng như nhiều hộ dân khác ở đây, gia đình chị chỉ biết trông vào vài sào ruộng rẫy để sống qua ngày.

Trong căn nhà sàn 30m², 7 người thuộc 3 thế hệ của gia đình chị Quỳnh sống cùng nhau. Ảnh: Hà Nam
Đất canh tác hiếm hoi vì xung quanh toàn núi đá. Vườn nhỏ, hẹp, nhà nào khá thì nuôi được thêm vài con gà, con vịt; có điều kiện hơn thì gắng nuôi thêm được con lợn, con bò. Mọi sản phẩm làm ra đều chỉ đủ dùng trong nhà.
“Nhiều vùng núi khác còn có thể trồng cây keo, vài năm khai thác cũng có đồng ra đồng vào. Ở đây thì chịu, ô tô không vào được nên không có cách nào vận chuyển ra ngoài”, chị Quỳnh buồn bã cho biết.

Những năm qua, người dân ở đây sống trong cảnh thiếu thốn đủ bề. Ảnh: Hà Nam
Già làng Nguyễn Hải (60 tuổi), người uy tín của thôn 3, cho biết phần lớn hộ dân đều thuộc diện hộ nghèo. Để có nước sinh hoạt, họ phải dẫn nước từ đầu nguồn con suối cách làng gần 5km.
Thế nhưng, cứ đến mùa hạn hán hoặc mưa lũ, nguồn nước này lại cạn kiệt hoặc bị nhiễm bẩn. Nỗi lo thiếu nước sạch luôn thường trực trong từng nếp nhà.
Khổ nhất là vào mùa mưa bão, đường đất lầy lội cùng với nguy cơ sạt lở nên người dân không dám ra ngoài, cả thôn bị cô lập hoàn toàn.

Già làng Nguyễn Hải buồn rầu cho biết, do chồng lấn địa giới nên ngôi làng của ông như bị "lãng quên". Ảnh: Hà Nam
Những năm gần đây, một số hộ có điện thắp sáng nhờ sử dụng pin mặt trời hoặc tua-bin nước nhỏ đặt dưới suối. Nhưng mỗi khi mưa lũ kéo về, không có nắng, tua-bin bị cuốn trôi, bóng tối lại vây kín làng.
“Chúng tôi cũng không thể làm sổ đỏ trên mảnh đất mà gia đình đã khai hoang, canh tác hơn 30 năm, không được vay vốn ngân hàng, không sang nhượng hợp pháp vì đất của Kon Tum, mà hộ khẩu lại thuộc Quảng Nam”, ông Hải nói.
Giải quyết dứt điểm tình trạng chồng lấn địa giới?
Ông Trần Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Trà Vinh cho biết, diện tích đất thôn 3 hiện nằm trên địa phận Kon Tum nhưng hộ khẩu của người dân vẫn thuộc quyền quản lý của Quảng Nam. Tình trạng “đi không được, ở không xong” này khiến việc đầu tư bất kỳ công trình nào cũng vướng quy định pháp lý.
Qua các cuộc khảo sát, đa số người dân thôn 3 đều có nguyện vọng tiếp tục là cư dân Quảng Nam. Do phong tục, tập quán quen thuộc và từ thôn 3 đi trung tâm xã Đăk Nên xa hơn, không thuận lợi bằng về xã Trà Vinh.
Nhiều năm nay, 2 tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn bạc hướng giải quyết vướng mắc chồng lấn địa giới nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Ngôi làng bị "mắc kẹt" tại vùng giáp ranh Kon Tum - Quảng Nam. Ảnh: Hà Nam
Liên quan đến vấn đề này, ngày 26/4, Bộ Nội vụ đề nghị hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng chồng lấn địa giới hành chính giữa xã Trà Vinh và xã Đăk Nên.
Theo văn bản, đường ranh giới đã được xác định rõ trong bản đồ lập theo Chỉ thị 364 (năm 1991). Bộ yêu cầu các địa phương hoàn thiện hồ sơ địa giới các cấp, đảm bảo thống nhất với bản đồ gốc và có xác nhận pháp lý. Đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường để triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Trao đổi với PV VietNamNet, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết: “Tỉnh sẽ chỉ đạo ký pháp lý theo Chỉ thị 364. Đồng thời tổ chức lấy ý kiến người dân thôn 3 về hai phương án: Một là ở lại định cư tại chỗ và chuyển hộ khẩu sang Kon Tum; hai là di dời bà con về xã Trà Vinh nếu bố trí được khu tái định cư”.