Đề xuất giao Thủ tướng kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm Bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ

ĐBQH cũng đề xuất luật Tổ chức Chính phủ giao Thủ tướng quyền kiến nghị Quốc hội có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của một bộ nếu bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) và một số đại biểu quan tâm đến quy định "Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng" trong dự thảo luật.

Bộ trưởng bị phê bình nhưng xử lý trách nhiệm chưa rõ ràng

Ông Bình cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ là nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới đổi mới sáng tạo và vươn mình của dân tộc.

Về quy định "Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng", ông Bình cho rằng quy định này chưa làm rõ cơ chế kiểm soát của Thủ tướng đối với các bộ trưởng trong trường hợp bộ trưởng thực hiện không hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Lý giải, ông Bình cho rằng: Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, HĐND thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị; có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc ủy ban của Quốc hội; có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

 ĐB Thạch Phước Bình phát biểu. Ảnh: QH

ĐB Thạch Phước Bình phát biểu. Ảnh: QH

“Thực tế đã có nhiều trường hợp bộ trưởng bị phê bình vì không hoàn thành nhiệm vụ nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa rõ ràng. Tôi đề xuất bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng đối với bộ trưởng. Chẳng hạn, nếu bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hoặc có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của bộ đó”, ông Bình đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) thì đề nghị luật phải nêu rõ Thủ tướng chỉ quyết định những vấn đề liên bộ, liên ngành hoặc các dự án lớn. Bởi nếu không thì Thủ tướng lại phải cho ý kiến với các sự vụ, vấn đề cụ thể như vận hành hồ thủy điện chẳng hạn. Mặt khác, nếu làm như vậy thì quyền hạn của các bộ bị giảm dẫn đến hiệu quả của các bộ cũng giảm, chuyên môn của các bộ, bộ trưởng không được tận dụng hiệu quả.

Lấy ví dụ về quyết định các dự án năng lượng tái tạo, quy định hiện nay là Thủ tướng quyết định các dự án từ 50 MW trở lên, từ 30 - 50 MW giao Bộ Công thương quyết định, còn dưới 30 MW thì địa phương quyết định. Dải phân cấp không đủ lớn, theo đại biểu dẫn tới tình trạng nhiều dự án chỉ làm tới 49 MW để được Bộ Công thương quyết định dự án.

Đại biểu Huân đề nghị dải phân cấp phải đủ lớn, chẳng hạn Thủ tướng có thể quyết định các dự án từ 1GW trở lên, còn dưới mức đó thì giao cho Bộ Công Thương.

Tránh tình trạng cấp trên ủy quyền để né trách nhiệm

ĐB Vũ Trọng Kim (Nam Định) cũng cho rằng: sửa luật Tổ chức Chính phủ lần này là để làm mới những định chế luật pháp trong tổ chức Chính phủ.

Ông Kim cho rằng: Báo chí và dư luận lần này đặt ra câu hỏi: “Thủ tướng có bị hạn chế quyền của mình không khi không quyết những vấn đề của bộ, ngành? Ở những trường hợp phân cấp, phân quyền cụ thể cho Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ thì Thủ tướng quyết định những vấn đề gì để thể hiện vị trí, vai trò quan trọng trong chủ trương, chính sách?”.

ĐB Vũ Trọng Kim nêu vấn đề: trong những trường hợp cấp thiết như tai nạn, tình trạng khẩn cấp, bão lũ, hỏa hoạn… thì Bộ trưởng quyết định theo phân công hay Thủ tướng quyết? Nếu một quyết định liên quan đến việc huy động nhiều bộ, ngành, lực lượng, phương tiện vật chất của quốc gia thì bộ quyết hay Thủ tướng?

 ĐB Vũ Trọng Kim cho rằng: Việc ai người nấy làm là nguyên tắc quan trọng trong phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Ảnh: QH

ĐB Vũ Trọng Kim cho rằng: Việc ai người nấy làm là nguyên tắc quan trọng trong phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Ảnh: QH

Chưa kể, vẫn theo đại biểu Kim, trong trường hợp Bộ trưởng bị ốm, Thủ tướng đi nước ngoài thì vai trò, thẩm quyền của các thứ trưởng, Phó Thủ tướng như thế nào. Ông nêu trường hợp mới đây Thủ tướng đi làm việc với các tập đoàn, Thủ tướng sau đó quyết định luôn việc làm đường ray, toa xe… “Vậy đó có phải là quyền của Thủ tướng không?”, ĐB Vũ Trọng Kim nói và tự giải thích: “Việc đó trong các trường hợp thật cần thiết thì Thủ tướng phải quyết định”.

ĐB Kim cũng cho rằng: việc ủy quyền thì theo nguyên tắc “việc ai người ấy làm”, không để cấp trên dùng việc ủy quyền để né nhiệm vụ và cấp dưới bị giao nhiệm vụ quá lớn, quá nhiều, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của mình.

“Vấn đề đặt ra là năng lực thực thi, thẩm quyền và trách nhiệm nhằm tránh tình trạng trước đây là “giá lương tiền”, kế hoạch hóa gia đình giao cho Phó Thủ tướng phụ trách. Nhiệm vụ, quyền hạn phải gắn với khả năng thực thi. Không nên để Thủ tướng quyết hết rồi thì giao cho Bộ trưởng ký, trong khi Bộ trưởng chưa sẵn sàng, chưa đủ năng lực”, đại biểu Vũ Trọng Kim nói.

Rành mạch nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng

Vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm là nguyên tắc tổ chức hoạt động của Chính phủ và phân định thẩm quyền, căn cứ điều 2 của Hiến pháp và Nghị quyết 27 của Trung ương về tiếp tục đổi mới và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa.

Luật thiết kế điều rất mới nhằm làm rõ hơn vị trí, vai trò của Chính phủ trong mối quan hệ quyền lực của Chính phủ với Quốc hội, TAND Tối cao và VKSND Tối cao và cơ chế phối hợp, kiểm soát của Chính phủ với nền hành chính Nhà nước… Đảm bảo quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phân cấp cũng như đảm bảo sự phối hợp và kiểm soát quyền lực, nhưng cũng chỉ đưa vào nguyên tắc chung chứ không quy định cụ thể.

Luật cũng minh định rõ về thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương, đảm bảo nguyên tắc rành mạch thẩm quyền, khắc phục tình trạng đẩy việc lên Chính phủ như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình ý kiến đại biểu về dự luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Ảnh: QH

Chúng tôi cũng thiết kế nội dung mới là đẩy mạnh quản trị quốc gia. Thực chất đây không phải vấn đề mới, xu thế thế giới thực hiện từ lâu. Nghị quyết của Trung ương đã nói rất rõ về việc tiếp tục đẩy mạnh quốc gia.

Liên quan phân quyền phân cấp và ủy quyền, được đại biểu quan tâm, là điều khoản mới, quan trọng, có tính cốt lõi để tạo hành lang pháp lý để tất cả các luật, văn bản dưới luật, chuyên ngành phải đi theo nguyên tắc này.

Khi thiết kế vấn đề này, để nói về khái niệm, triết lý, tính chất, đặc điểm thì các góc độ khác nhau có khái niệm khác nhau nhưng quy nó về yêu cầu quản lý hành chính Nhà nước. Xuất phát từ khoa học quản lý hành chính Nhà nước, ta lựa chọn nội hàm dễ hiểu, dễ làm, đảm bảo tính bao trùm, khái quát tính pháp lý về phân cấp phân quyền, ủy quyền theo hiến định

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng … bám sát chủ trương của Đảng và căn cứ của Hiến pháp để dự thảo thể hiện rõ, rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ… sẽ làm rõ thêm để đảm bảo tính liên thông.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-giao-thu-tuong-kien-nghi-bo-phieu-tin-nhiem-bo-truong-khong-hoan-thanh-nhiem-vu-post834302.html
Zalo