Bảo đảm hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt, cho phép triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Tuy nhiên, đã xảy ra tình trạng một số dự án có dấu hiệu thiếu minh bạch, không đúng với định mức kinh tế kỹ thuật đã hướng dẫn.

Bò của các hộ dân nhưng được nuôi tập trung tại chuồng trại của Hợp tác xã Nhung Lũy, huyện Ba Bể.
Với những cách làm trái hướng dẫn, thiếu minh bạch, nhiều nguy cơ số tiền hỗ trợ có thể không đến đủ với người dân, không tạo được sinh kế như mục tiêu đề ra.
Thiếu rõ ràng trong thực hiện dự án
Trong căn nhà nhỏ chỉ hơn 10m2, không có đồ đạc gì đáng giá, bà Hà Thị Điện, hộ nghèo đơn thân ở thôn Nà Viến, xã Yến Dương, huyện Ba Bể tin rằng mình sẽ có ba con bò theo dự án liên kết sản xuất chăn nuôi bò do Ủy ban nhân dân (UBND) xã Yến Dương làm chủ đầu tư và Hợp tác xã Nhung Lũy chủ trì liên kết. Bà Điện cho hay, Giám đốc Hợp tác xã nói khi tham gia bà được nhận ba con bò, đem nuôi tập trung, khi dự án kết thúc, bà sẽ được chia ba con bò.
Tuy nhiên, khi được hỏi có biết đâu là bò của mình hay không thì bà chịu. Theo bà, thỉnh thoảng, hợp tác xã có gọi bà ra để hỗ trợ việc dọn dẹp chuồng trại, còn việc chăn nuôi thì hợp tác xã đã thuê người thực hiện. Bà Điện cho biết thêm, khi triển khai, hợp tác xã có đem một số giấy tờ xuống cho bà ký, nhưng bà cũng không biết giấy tờ đó có nội dung gì.
Trước đó, năm 2023, bà Điện cũng tham gia dự án liên kết sản xuất chăn nuôi gà do UBND xã Yến Dương làm chủ đầu tư và Hợp tác xã Nhung Lũy chủ trì liên kết. Bà Điện nhớ lại, khi tham gia, chỉ thấy hợp tác xã nói: Có 1.000 con gà nhưng sẽ đem nuôi tập trung tại chuồng trại của hợp tác xã. Việc chăn nuôi cũng do hợp tác xã thuê người làm. Khi bán, bà được gọi ra giúp đỡ việc bắt gà.
“Giám đốc Hợp tác xã nói, tham gia dự án mỗi người sẽ được hưởng 88 triệu đồng. Tuy nhiên, việc bán gà ra sao, giá cả thế nào tôi không được biết. Năm 2023, hợp tác xã chia cho tôi 12 triệu đồng, năm 2024 chia cho 3 triệu đồng, số còn lại họ nói là do trừ chi phí đối ứng, như: thuê người, mua cám, chuồng trại…, còn chi phí đối ứng cụ thể ra sao thì tôi không biết”, bà Điện cho hay.
Trái với căn nhà tuềnh toàng của bà Điện, hộ ông Nông Văn Ánh, thôn Lỏng Lứng, xã Yến Dương lại ở trong căn nhà xây khang trang, vững chãi. Khi chúng tôi đến, ông Ánh đang tất bật bán hàng tại cửa hàng bán đồ điện, nước rộng rãi của gia đình. Khi được hỏi về dự án liên kết chăn nuôi bò, ông Ánh cho hay, ông cùng các hộ dân tham gia dự án do Hợp tác xã Nhung Lũy triển khai và có ba con bò. Tuy nhiên, do bận bán hàng cho nên ông cũng giao cho hợp tác xã chăn nuôi tập trung, ông Ánh tham gia dự án với tư cách là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo quy định và hướng dẫn triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thì vật nuôi là gà và bò phải được đưa tới cho các hộ tham gia chăn nuôi chứ không có hình thức thuê người nuôi tập trung tại chuồng trại của hợp tác xã. Theo tìm hiểu của phóng viên, hộ ông Nông Văn Ánh là người nhà của Giám đốc Hợp tác xã Nhung Lũy. Thậm chí, người thân của Chủ tịch UBND xã Yến Dương cũng nằm trong danh sách các hộ tham gia nuôi bò...
Làm việc với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Yến Dương Hà Văn Quý thừa nhận việc triển khai hai dự án do Hợp tác xã Nhung Lũy chủ trì liên kết đã sai so với hướng dẫn. Ông Quý cũng khẳng định đã tin tưởng cấp dưới, thiếu sâu sát cho nên dẫn tới việc thực hiện dự án không đúng quy định. Ông Quý cho biết, đã giải ngân cho hai dự án của Hợp tác xã Nhung Lũy khoảng hơn ba tỷ đồng, số còn lại hiện đã chỉ đạo dừng thanh toán.
Làm rõ những sai phạm
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt 57 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 162 dự án phát triển sản xuất cộng đồng, tổng kinh phí được duyệt của các dự án này là hơn 182 tỷ đồng. Đến tháng 7/2024, số kinh phí đã giải ngân hơn 42 tỷ đồng.
Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: “Các dự án, kế hoạch, phương án, mô hình (gọi chung là dự án) phát triển sản xuất phải bảo đảm tối thiểu 50% người dân tham gia dự án là đối tượng hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thực hiện dự án có hơn 70% người dân tham gia dự án là đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo”.
Quy định rất rõ nhưng thực tế một số dự án ở Bắc Kạn đã không đáp ứng điều này. Việc chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 50% số hộ nghèo, cận nghèo tham gia là điều khá phổ biến. Đơn cử như Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lợn thịt bản địa của Hợp tác xã Hồng Luân (huyện Chợ Đồn) có 41 hộ tham gia thì trong đó chỉ có ba hộ nghèo và hai hộ cận nghèo, chiếm 12,1%; dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lợn thịt bản địa của Hợp tác xã Vạn Lộc (huyện Pác Nặm) có 17 hộ tham gia, trong đó chỉ có ba hộ nghèo, chiếm 8,6%; cá biệt có dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ gà thịt (gà ri lai) của Hợp tác xã Lộc Tú Anh (huyện Pác Nặm) có 12 hộ tham gia thì đều không phải hộ nghèo và cận nghèo…
Đáng nói là một số dự án quy mô đầu tư ngân sách lớn, vượt định mức kinh tế kỹ thuật được UBND tỉnh Bắc Kạn quy định tại Quyết định số 1449/QĐ-UBND ngày 12/8/2020. Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bò sinh sản do Hợp tác xã Nhung Lũy (Ba Bể) chủ trì liên kết thực hiện được hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng, quy mô dự án 170 con bò với số hộ liên kết là 34 hộ, như vậy, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ năm con bò, tương đương hơn 140 triệu đồng.
Tương tự, dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bò sinh sản do Hợp tác xã Thanh Tâm (Chợ Đồn) chủ trì liên kết thực hiện được duyệt hỗ trợ từ ngân sách hơn 4,3 tỷ đồng. Quy mô dự án 167 con bò sinh sản, nhưng chỉ có 12 hộ tham gia, bình quân mỗi hộ nhận 13 con bò, tương đương 364 triệu đồng/hộ.
Có những dự án được phê duyệt mức hỗ trợ lớn dẫn tới tính mức hỗ trợ bình quân các hộ nhận được rất cao, mà có lẽ nếu trao thẳng bằng tiền mặt thay vì thực hiện mô hình dự án thì các hộ này đã thoát nghèo bền vững. Như dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà thả vườn thương phẩm do Hợp tác xã Bánh chưng xanh (Chợ Đồn) chủ trì thực hiện được duyệt hỗ trợ hơn 4,7 tỷ đồng, số hộ tham gia liên kết là tám hộ, trung bình mỗi hộ nhận 7.500 con gà, tương đương hơn 600 triệu đồng…
Theo thông tin từ Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, qua giám sát cho thấy, nhiều dự án liên kết chăn nuôi trên giấy tờ các hộ dân có ký nhận giao trâu, bò, gà được hỗ trợ, nhưng thực tế lại không nhận về nuôi mà để chăn nuôi tập trung ở các nhóm tổ chăn nuôi của hợp tác xã. Người dân cơ bản không biết được Nhà nước hỗ trợ mua trâu, bò, gà để chăn nuôi mà chỉ được hợp tác xã thông tin đến chăm sóc gia súc, gia cầm cho hợp tác xã và được trả công. Do chăn nuôi tập trung cho nên cơ bản các hợp tác xã đầu tư chuồng trại, cơ sở vật chất phục vụ chăn nuôi, đến khi xuất bán hợp tác xã trừ chi phí đầu tư này và các chi phí khác, lợi nhuận còn lại mới chia cho các hộ tham gia liên kết với tỷ lệ góp công. Điều này dẫn tới, lợi nhuận thu được của các hộ dân rất thấp trong khi ngân sách nhà nước đầu tư rất lớn.
Việc để các hợp tác xã chăn nuôi tập trung thay vì đưa đến người dân và không bảo đảm đối tượng tham gia liên kết theo quy định, trong khi số tiền hỗ trợ từ ngân sách lớn đã tạo ra kẽ hở và vi phạm. Thay vì tạo ra chuỗi giá trị và sản xuất cộng đồng, thì ngân sách lại đang hỗ trợ cho sản xuất riêng của các hợp tác xã. Nếu các hợp tác xã không thực hiện công khai, minh bạch về chi phí đầu tư xây dựng chuồng trại và vô số chi phí khác thì đương nhiên số lợi nhuận người dân thu được chẳng là bao.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Bắc Kạn, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can đối với Đinh Tuyết Nhung, Giám đốc Hợp tác xã Nhung Lũy về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 2, Điều 355 Bộ luật Hình sự. Theo đó, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà thịt, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2023-2025)”, Đinh Tuyết Nhung đã có hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn triển khai thực hiện dự án không đúng quy định, lập hồ sơ thanh quyết toán khống gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Ngày 11/2, Cơ quan cảnh sát điều tra cũng khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can, bắt tạm giam Phùng Thị Sim, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Phong (Bạch Thông), về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 2, Điều 355 Bộ luật Hình sự. Điều tra xác định, năm 2024, Phùng Thị Sim đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc thực hiện dự án chăn nuôi dúi thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để chiếm đoạt tài sản.
Thời gian qua, một số dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Bắc Kạn đã và đang có nhiều bất cập. Trước tình hình này, tỉnh Bắc Kạn cần sớm rà soát tổng thể, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm để những hỗ trợ của Nhà nước thật sự đến đúng với đối tượng được thụ hưởng, bảo đảm hiệu quả của một chính sách nhân văn.