Đề xuất giảm lãi suất cho vay người mua nhà ở xã hội còn 3 - 4,8%
Kể từ ngày 1-8, người mua, thuê mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ bị áp lực do lãi suất sẽ tăng từ 4,8%/năm lên 6,6%/năm.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 100/2024 về phát triển nhà ở xã hội quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội có thể lựa chọn một trong hai kênh ưu đãi tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tại các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định với các mức lãi suất ưu đãi, thời hạn vay linh hoạt.
Tuy nhiên, rà soát lại quy định về chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội, HoREA nhận thấy vẫn còn một số bất cập về lãi suất.
Lãi suất tăng lên 6,6%, người vay bị áp lực
Cụ thể theo HoREA, Nghị định 100/2024 quy định lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Theo quyết định của Thủ tướng, lãi suất ưu đãi năm 2024 của Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho hộ nghèo theo chuẩn mới là 6,6%/năm.
Trong khi đó, đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội trước ngày 1-8 được áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 4,8%/năm.
Thực hiện Nghị định 100/2024, Ngân hàng Chính sách xã hội đã điều chỉnh tăng mức lãi suất chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội lên 6,6%/năm, cao hơn khá nhiều so với mức lãi suất áp dụng cho các khoản vay tương tự từ 31-7 trở về trước.
HoREA lấy ví dụ: Ngày 1-6, vợ chồng anh A mua nhà ở xã hội với giá 1 tỉ đồng và được vay 800 triệu đồng trong 20 năm với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm. Số tiền lãi phải trả trong tháng 6, 7 là khoảng 3,2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, kể từ ngày 1-8 khi áp dụng lãi suất mới 6,6%/năm thì anh A phải trả lãi vay mỗi tháng 4,38 triệu đồng, tức phải chi thêm hơn 14 triệu đồng mỗi năm ngoài tính toán ban đầu.
HoREA cho rằng không nên cào bằng chính sách giữa đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội tại khu vực đô thị với hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ.
Đề xuất lãi suất chỉ 3 - 4,8%
HoREA đề xuất trường hợp cân đối được nguồn ngân sách nhà nước thì giải pháp tốt nhất là nên điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ từ mức 6,6%/năm xuống còn 3 - 4,8%/năm sẽ phù hợp hơn.
Đồng thời, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết hiệp hội đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội từ mức 6,6%/năm xuống 3 - 4,8%/năm tương tự như chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở với lãi suất cho vay 3%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
“Mức lãi thấp như vậy nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của chính sách đối với hộ nghèo và đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội đều được hưởng cùng lãi suất vay ưu đãi, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay” - ông Châu cho hay.
Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng giải ngân rất thấp
Ngân hàng Nhà nước đang triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng với quy mô nguồn vốn lên đến 140.000 tỉ đồng do tám ngân hàng thương mại tự nguyện đóng góp cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay vốn trong 3 năm với lãi suất 8%/năm.
Với người mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc tự xây dựng, cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở được vay trong 05 năm với lãi suất 7,5%/năm và lãi suất vay được điều chỉnh định kỳ mỗi 6 tháng một lần.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, gói tín dụng này mới chỉ giải ngân được rất thấp, chỉ 1.344 tỉ đồng đạt 0,96%. Trong đó có 1.295 tỉ đồng cho các chủ đầu tư vay tại 12 dự án nhà ở xã hội và chỉ có 49 tỉ đồng cho người mua nhà ở xã hội tại 5 dự án.