Đề xuất duyệt chủ trương xây tuyến đường sắt nối Hải Phòng với Trung Quốc
Chính phủ đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường sắt hiện đại nối Trung Quốc với suất đầu tư khoảng 15,96 triệu USD/km.
Trên cơ sở thống nhất của các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng vừa ký tờ trình Chính phủ đề nghị Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo đó, tuyến đường sắt này dài 403,1 km, gồm tuyến chính 388 km và hai tuyến nhánh 15 km. Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận thành phố Lào Cai; điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận thành phố Hải Phòng.
Dự án đi qua 9 tỉnh thành, gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
![Tuyến đường sắt nối với Trung Quốc dự kiến chạy với vận tốc cao nhất là 120km/h. Ảnh minh họa. Ảnh: V.LONG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_114_51439226/f087d56ae124087a5135.jpg)
Tuyến đường sắt nối với Trung Quốc dự kiến chạy với vận tốc cao nhất là 120km/h. Ảnh minh họa. Ảnh: V.LONG
Giai đoạn đầu, tuyến được xây dựng đường đơn, khổ 1.435 mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa. Tàu khách và tàu hàng lựa chọn công nghệ đoàn tàu sử dụng động lực tập trung, khai thác với tốc độ 160 km/h-120 km/h tùy đoạn.
Toàn tuyến bố trí 18 ga gồm ba ga lập tàu Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng và 15 ga hỗn hợp. (Ga lập tàu là những ga lớn thường được đặt tại các khu đầu mối đường sắt-PV).
Ngoài ra, để thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật phục vụ chạy tàu, bố trí 14 trạm tác nghiệp kỹ thuật.
Tổng mức đầu tư dự án 203.231 tỉ đồng (khoảng 8,396 tỉ USD), từ nguồn vốn đầu tư công.
Hiện dự án đã cân đối được 128 tỉ đồng, số tiền còn lại Chính phủ dự kiến đề xuất Quốc hội cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau.
Dự án khi triển khai sẽ chiếm dụng khoảng 2.632 ha đất, số dân tái định cư khoảng 19.136 người.
Bộ GTVT cho biết tuyến đường sắt hiện hữu sẽ vận tải hành khách nội địa, du lịch chặng ngắn và vận chuyển hàng hóa có sẵn kết nối với tuyến đường sắt mới.
Để triển khai đầu tư nhanh dự án, Chính phủ đề xuất 19 chính sách, cơ chế đặc thù. Trong đó có các nhóm cơ chế, chính sách được Quốc hội thông qua cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Chẳng hạn, chính sách cho phép Thủ tướng được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hàng năm không đáp ứng tiến độ. Chính phủ cũng có thể huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án và không phải lập đề xuất dự án sử dụng vốn ODA.
Chính phủ được sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án trong trường hợp đàm phán hiệp định vay không thành công, hoặc quy mô khoản vay không đủ…
Ngoài ra, Chính phủ đề xuất cho phép dự án không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, các tỉnh được sử dụng ngân sách của mình để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất phục vụ phát triển, chính sách phát triển công nghiệp đường sắt…
Sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ thực hiện ngay công tác giải phóng mặt bằng vào giữa năm nay, khởi công dự án vào cuối năm 2025 và cơ bản hoàn thành xây dựng trong năm 2030.
Trung Quốc từng hỗ trợ nghiên cứu dự án
Hồ sơ dự án đường sắt hiện đại nối Trung Quốc được Bộ GTVT lập dựa trên hồ sơ quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã được Công ty HH Tập đoàn Viện thiết kế khảo sát số 5 đường sắt Trung Quốc thực hiện.
Trong quá trình tiếp nhận, Bộ GTVT bổ sung nghiên cứu đoạn tuyến từ Hải Phòng đi Quảng Ninh làm cơ sở phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Tuy nhiên theo đề xuất mới đây, đoạn tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ được nghiên cứu triển khai sau năm 2030 cùng với lộ trình đầu tư của tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.