Đề xuất chính sách phục viên đối với sĩ quan quân đội do tinh gọn bộ máy
Bộ Quốc phòng đề xuất cách tính hưởng chính sách phục viên, nghỉ thôi việc đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng...
Bộ Quốc phòng lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tổ chức và cá nhân, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong Quân đội.

Khối sĩ quan lục quân tại diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: VGP)
Đối tượng áp dụng của thông tư gồm: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Một trong những nội dung của dự thảo là hướng dẫn cách tính hưởng chính sách phục viên, nghỉ thôi việc đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân (Điều 6, Điều 7).
Cách xác định tiền lương tháng để tính hưởng chính sách
Tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng chính sách, chế độ khi phục viên, nghỉ thôi việc hoặc nghỉ hưu trước tuổi gồm: tiền lương theo cấp bậc quân hàm, loại, nhóm, ngạch, bậc cộng các khoản phụ cấp lương (gồm: phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp công vụ; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề; phụ cấp ưu đãi nghề; phụ cấp trách nhiệm theo nghề; phụ cấp đặc thù; phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội).
Cụ thể tính theo công thức:

Mức lương cơ sở để tính tiền lương tháng hiện hưởng nêu trên là mức lương cơ sở do Chính phủ quy định tại thời điểm trước tháng liền kề tháng phục viên, nghỉ thôi việc hoặc nghỉ việc hưởng lương hưu hằng tháng.
Dự thảo quy định, số tháng để tính hưởng trợ cấp phục viên, nghỉ thôi việc là thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang (tối đa không quá 60 tháng).
Còn thời gian để tính hưởng trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tổng thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (theo sổ bảo hiểm xã hội của mỗi người) nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc, mất việc làm hoặc chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ.
Trường hợp tổng thời gian để tính trợ cấp có tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc: từ 1 tháng đến đủ 6 tháng tính là 5 năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 1 năm.
Cách tính hưởng chính sách phục viên đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp
Trường hợp có tuổi đời từ đủ 2 năm trở lên so với hạn tuổi phục vụ cao nhất và không đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi được cấp có thẩm quyền quyết định phục viên thì được hưởng 3 khoản trợ cấp.
Một là trợ cấp phục viên một lần cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:
- Phục viên trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ ngày quyết định sáp nhập của cấp có thẩm quyền có hiệu lực:

- Phục viên từ tháng thứ 13 trở đi kể từ ngày quyết định sáp nhập của cấp có thẩm quyền có hiệu lực:

Hai là trợ cấp một lần cho số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:

Ba là trợ cấp tìm việc làm:

Dự thảo của Bộ Quốc phòng dẫn ví dụ cụ thể: ông Lê Trung Dũng (sinh tháng 9/1994, nhập ngũ tháng 9/2014), cấp bậc Thượng úy, chức vụ Trung đội trưởng. Tháng 6/2025, đơn vị ông Dũng sáp nhập với đơn vị khác. Theo quy định ông Dũng không đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưu trước hạn tuổi theo quy định.
Tháng 11/2025, ông Dũng được cấp có thẩm quyền quyết định phục viên (tính đến thời điểm phục viên tháng 11/2025, ông Dũng có 11 năm 3 tháng phục vụ trong Quân đội, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) và thuộc trường hợp phục viên trong thời hạn 12 tháng đầu tiên (tính từ tháng 6/2025, quyết định sáp nhập của cấp có thẩm quyền có hiệu lực).
Giả sử tháng tiền lương hiện hưởng trước thời điểm phục viên (tháng 10/2025) của ông Dũng là 15.000.000 đồng. Ngoài được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, ông Dũng được hưởng các chế độ sau:
Trợ cấp phục viên một lần cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là: 15.000.000 đồng x 0,8 tháng x 60 tháng = 720.000.000 đồng
Trợ cấp một lần cho số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là: 15.000.000 đồng x 1,5 tháng x 11,5 năm = 258.750.000 đồng
Trợ cấp tìm việc làm là: 3 tháng x 15.000.000 đồng = 45.000.000 đồng
Như vậy, tổng số tiền trợ cấp phục viên ông Dũng nhận là: 1.023.750.000 đồng.
Dự thảo cũng đưa ra một ví dụ khác: cùng là ông Lê Trung Dũng nêu ở ví dụ trên. Tháng11/2026, ông Dũng được cấp có thẩm quyền quyết định phục viên (tính đến thời điểm phục viên tháng 11/2026, ông Dũng có 12 năm 3 tháng phục vụ trong Quân đội, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) và thuộc trường hợp phục viên từ tháng thứ 13 trở đi (tính từ tháng 6/2025, quyết định sáp nhập của cấp có thẩm quyền có hiệu lực).
Ngoài được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, ông Dũng được hưởng các chế độ sau:
Trợ cấp phục viên một lần cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là: 15.000.000 đồng x 0,4 x 60 tháng = 360.000.000 đồng
Trợ cấp một lần cho số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là: 15.000.000 đồng x 1,5 tháng x 12,5 năm = 281.250.000 đồng
Trợ cấp tìm việc làm là: 3 tháng x 15.000.000 đồng = 45.000.000 đồng
Tổng số tiền trợ cấp phục viên ông Dũng nhận là: 686.250.000 đồng.
Dự thảo thông tư của Bộ Quốc phòng cũng nêu rõ, các trường hợp đã được hưởng trợ cấp phục viên theo quy định tại Nghị định số 178/2024 của Chính phủ và thông tư này thì không được hưởng chế độ trợ cấp phục viên quy định tại Nghị định số 21/2009, Nghị định số 151/2016 và Nghị định số 32/2013 của Chính phủ.
Cách tính hưởng chính sách nghỉ thôi việc đối với công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân
Trường hợp có tuổi đời từ đủ 2 năm trở lên so với hạn tuổi cao nhất và không đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ thôi việc thì được hưởng 2 chế độ.
Một là trợ cấp thôi việc cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:
- Thôi việc trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ ngày quyết định sáp nhập của cấp có thẩm quyền có hiệu lực:

- Thôi việc từ tháng thứ 13 trở đi kể từ ngày quyết định sáp nhập của cấp có thẩm quyền có hiệu lực:

Hai là trợ cấp một lần cho số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:

Dự thảo của Bộ Quốc phòng dẫn ví dụ cụ thể: bà Ngô Thị Thu Trà (sinh tháng 9/1996, được tuyển dụng viên chức quốc phòng tháng 9/2016) công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh D. Tháng 6/2025, đơn vị bà Trà sáp nhập với đơn vị khác. Theo quy định bà Trà không đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi.
Tháng 12/2025, bà Trà được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ thôi việc (tính đến thời điểm nghỉ thôi việc tháng 12/2025, bà Trà có 9 năm 4 tháng phục vụ trong Quân đội, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) và thuộc trường hợp nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ ngày quyết định sáp nhập của cấp có thẩm quyền có hiệu lực.
Giả sử tháng tiền lương hiện hưởng trước thời điểm nghỉ thôi việc (tháng 11/2025) của bà Trà là 12.000.000 đồng. Ngoài được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bà Trà được hưởng các chế độ sau:
Trợ cấp thôi việc cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là: 12.000.000 đồng x 0,8 tháng x 60 tháng = 576.000.000 đồng
Trợ cấp một lần cho số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là: 12.000.000 đồng x 1,5 tháng x 9,5 năm = 171.000.000 đồng
Như vậy, tổng số tiền trợ cấp thôi việc bà Trà nhận là: 747.000.000 đồng.
Dự thảo cũng đưa ra một ví dụ khác: cùng là bà Ngô Thị Thu Trà nêu ở ví dụ trên. Tháng12/2026, bà Trà được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ thôi việc (tính đến thời điểm nghỉ thôi việc tháng 12/2026, bà Trà có 10 năm 4 tháng phục vụ trong Quân đội, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) và thuộc trường hợp nghỉ thôi việc từ tháng thứ 13 trở đi kể từ ngày quyết định sáp nhập của cấp có thẩm quyền có hiệu lực.
Ngoài được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bà Trà được hưởng các chế độ sau:
Trợ cấp thôi việc cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là: 12.000.000 đồng x 0,4 tháng x 60 tháng = 288.000.000 đồng.
Trợ cấp một lần cho số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là: 12.000.000 đồng x 1,5 tháng x 10,5 năm = 189.000.000 đồng.
Như vậy, tổng số tiền trợ cấp thôi việc bà Trà nhận là: 477.000.000 đồng.
Dự thảo thông tư của Bộ Quốc phòng cũng nêu rõ, các trường hợp đã được hưởng trợ cấp nghỉ thôi việc theo quy định tại Nghị định số 178/2024 của Chính phủ và thông tư này thì không được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc quy định tại Nghị định số 19/2022 và Nghị định số 32/2013 của Chính phủ.