Đề xuất doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải kết nối dữ liệu điện tử với Bộ Công Thương
Việc quản lý dữ liệu trong ngành xăng dầu hiện nay còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch, khó khăn trong việc kiểm soát và dự báo thị trường, để giải quyết thực trạng này, Bộ Công Thương đã đề xuất giải pháp cần thiết…
![Bộ Công Thương đề xuất phương án quản lý kinh doanh xăng dầu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_341_51449873/1e93783b4d75a42bfd64.jpg)
Bộ Công Thương đề xuất phương án quản lý kinh doanh xăng dầu
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tại dự thảo Thông tư, trong chương quản lý kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kết nối các dữ liệu kinh doanh xăng dầu như dữ liệu cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh xăng dầu, dữ liệu hệ thống phân phối xăng dầu, dữ liệu nhập - xuất - tồn kho xăng dầu với Bộ Công Thương, tương thích với chương trình điện tử do Bộ Công Thương quy định.
Căn cứ hồ sơ, tài liệu về thực hiện kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu do thương nhân cung cấp, Vụ Thị trường trong nước chuyển hồ sơ, tài liệu về thực hiện kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu của thương nhân tới Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá, gửi thông báo xác nhận việc hoàn thành/chưa hoàn thành kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu của thương nhân với Bộ Công Thương tới Vụ Thị trường trong nước.
Cùng với đó, dự thảo Thông tư nêu rõ quy định về hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu, hợp đồng nhượng quyền thương mại bán lẻ xăng dầu, hợp đồng mua bán xăng dầu.
Cụ thể, hợp đồng phải được lập thành văn bản, ngoài các thỏa thuận của hai bên, có các nội dung chủ yếu như: Tên, địa chỉ, mã số thuế của bên giao và bên nhận đại lý, bên nhượng quyền và bên nhận quyền thương mại bán lẻ xăng dầu, bên bán và bên mua xăng dầu tùy theo hình thức hợp đồng; số lượng, chất lượng, chủng loại xăng dầu; cách thức giao nhận; thù lao đại lý, phí nhượng quyền thương mại bán lẻ xăng dầu, giá mua bán xăng dầu tùy theo hình thức hợp đồng.
Cũng theo dự thảo, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sau khi điều chỉnh giá bán xăng dầu phải thực hiện công bố giá bán buôn, bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối và thông báo về Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Công Thương và cơ quan Quản lý thị trường nơi thương nhân có hệ thống phân phối.
Thương nhân phân phối xăng dầu sau khi điều chỉnh giá bán xăng dầu phải thực hiện công bố giá bán buôn, bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối và thông báo về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Công Thương và cơ quan Quản lý thị trường nơi thương nhân có hệ thống phân phối.
Về bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ chủ trì triển khai, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện một hoặc một số phương thức để xác định nguyên nhân biến động giá theo quy định Nghị định số 85 quy định chi tiết một số điều của Luật Giá và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Đối với xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu, dự thảo đề xuất, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân sản xuất xăng dầu được xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu theo kế hoạch đăng ký với Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương xem xét đề nghị xuất khẩu xăng dầu của thương nhân trên cơ sở cân đối nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ trong nước, để đảm bảo việc xuất khẩu không ảnh hưởng đến cung cầu xăng dầu tại thị trường trong nước.
Trước đó, trong quá trình triển khai xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương nhận định, việc số hóa, kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp hiện chưa đầy đủ, rõ ràng. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác số hóa, kết nối dữ liệu này giúp cho cơ quan quản lý nhà nước có được dữ liệu (như dữ liệu về tổng nguồn xăng dầu, tiêu thụ, tồn kho xăng dầu…) nhanh chóng, kịp thời phục vụ công tác quản lý, điều hành thị trường. Mặt khác, giúp doanh nghiệp giảm bớt các báo cáo giấy gửi về cơ quan quản lý nhà nước.
Tại dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Bộ Công Thương đề xuất quy định việc kết nối dữ liệu về tổng nguồn xăng dầu, tiêu thụ, tồn kho xăng dầu… là điều kiện bắt buộc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện.
Thương nhân đề nghị cấp mới Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện ngay quy định về kết nối dữ liệu này. Thương nhân đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cần có lộ trình để xử lý, thời gian 24 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành.