Đề xuất điều chỉnh tăng thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực

Chiều 25/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, cơ bản tán thành với những nội dung cơ bản của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Theo tờ trình của Chính phủ do Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tại phiên họp nêu rõ, trên cơ sở Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025, Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025, Kết luận số 135-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của Tòa án các cấp trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản, tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, có liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy, thẩm quyền của TAND.

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Dự thảo luật gồm 6 điều, trong đó có 5 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Bộ luật. Trên cơ sở mô hình tổ chức TAND 3 cấp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của TAND khu vực, TAND cấp tỉnh, TAND tối cao.

Theo đó, điều chỉnh tăng thẩm quyền của TAND khu vực theo hướng TAND khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính (Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 31 Luật Tố tụng hành chính); giải quyết phá sản (Điều 8 Luật Phá sản); tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 7 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

TAND cấp tỉnh có thẩm quyền phúc thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính mà bản án, quyết định của TAND khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị (Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 32 Luật Tố tụng hành chính).

Bổ sung thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án TAND cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (khoản 2 Điều 331, khoản 2 Điều 354 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 260, khoản 2 Điều 283 Luật Tố tụng hành chính). Bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (khoản 1 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 266 Luật Tố tụng hành chính).

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình của Chính phủ.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình của Chính phủ.

TAND cấp tỉnh không còn thẩm quyền về giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; giải quyết phá sản; tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại.

Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng nghị (khoản 2 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 2 Điều 266 Luật Tố tụng hành chính).

Nhật Minh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/de-xuat-dieu-chinh-tang-tham-quyen-cua-toa-an-nhan-dan-khu-vuc-i766387/
Zalo