Hợp đồng vô hiệu: Vấn đề pháp lý từ vụ việc thực tế

Hợp đồng vô hiệu hay giao dịch dân sự vô hiệu không còn là một khái niệm pháp lý xa lạ. Nhìn một cách tổng thể, quy định pháp luật cơ bản đã giải quyết được những vướng mắc về hợp đồng vô hiệu. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết tranh chấp tại tòa án vẫn phát sinh nhiều vấn đề pháp lý.

Mỗi bên chủ thể khi tham gia giao dịch đều hướng tới mục đích riêng, để đạt được mục đích đó, mỗi bên sẽ thực hiện các quyền, nghĩa vụ tương ứng của mình. Nhưng trước đó, các giao dịch này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định. Nếu không thì giao dịch có thể bị xác định là vô hiệu, tức là giao dịch được coi là không được giao kết trước đó và không còn giá trị pháp lý ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

Đặt trong một hoàn cảnh bình thường, khi giao kết hợp đồng, điều đầu tiên và quan trọng mà các bên mong muốn là hợp đồng luôn có hiệu lực và có thể thực thi trong thực tiễn cuộc sống. Việc hợp đồng có thể bị vô hiệu sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của ít nhất một bên trong quan hệ hợp đồng.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nhưng trong thực tế, nhiều trường hợp khi xảy ra tranh chấp, một trong các bên có thể chủ động đề nghị tòa án có thẩm quyền xem xét xác định hợp đồng đã giao kết vô hiệu, để nhằm bảo vệ tối đa lợi ích hợp pháp của mình.

Mặc dù vậy, việc áp dụng linh hoạt trong những trường hợp cụ thể cũng không hề đơn giản. Đôi khi do chưa có cái nhìn thấu đáo về các hậu quả pháp lý, chính bên đưa ra đề nghị lại là bên phải đối diện với nhiều “bài toán pháp lý” cần “lời giải” nếu tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu.

Trường hợp điển hình sau đây có thể làm minh chứng cụ thể. Đó là vụ án tranh chấp thương mại được tòa án nhân dân quận Cầu Giấy xét xử công khai, giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Y tế GT Medical Việt Nam - đơn vị nhập khẩu và phân phối thiết bị của United Imaging Healthcare (UIH) và bị đơn là Công ty Cổ phần Vitatech - nhà thầu thực hiện cung cấp, lắp đặt thiết bị tại Bệnh viện. GT Medical Việt Nam chỉ yêu cầu Vitatech trả tiền mua thiết bị còn nợ do đã gia hạn nhiều lần mà Vitatech không trả.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, Vitatech và luật sư bảo vệ lại đề nghị tại phiên tòa là xem xét các trường hợp làm vô hiệu hợp đồng mua bán giữa hai bên. Cần nhấn mạnh, thiết bị do Vitatech mua từ GT Medical Việt Nam đã được lắp đặt tại một Bệnh viện tuyến trung ương.

Trao đổi xung quanh hệ quả nếu xác định vô hiệu hợp đồng mua bán trong vụ việc này, Luật sư Thiệu Quang Sang, Giám đốc Công ty Luật TNHH Lawflex phân tích: “Về nguyên tắc, hậu quả pháp lý cơ bản của việc hợp đồng bị tòa án xác định vô hiệu là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Nếu tài sản mua bán là các trang thiết bị đã được Vitatech lắp đặt, bàn giao, vận hành cho một bênh viện khác, thì vấn đề pháp lý ở vụ việc này sẽ trở nên phức tạp hơn và không thể nói là không liên quan đến bệnh viện này được.

Bên bị đơn Vitatech sẽ có thể là chủ thể trực tiếp chịu các trách nhiệm pháp lý đối với bên bệnh viện này trong quá trình tòa án giải quyết vụ việc. Nếu đặt ra việc hoàn trả tài sản mua bán là các trang thiết bị lắp đặt, bàn giao, vận hành, thì cũng không hề đơn giản, kể cả các bên có quy đổi ra tiền, nhưng cũng cần phải xem xét đến các yếu tố hao mòn khi sử dụng quyết định đến hiện trạng của tài sản”.

Mai Lan

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/hop-dong-vo-hieu-van-de-phap-ly-tu-vu-viec-thuc-te-d57944.html
Zalo