Đề xuất có quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong phân bổ ngân sách cho cấp xã, phường
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), trong phiên thảo luận tại Tổ 2, các ĐBQH đề xuất có quy định rõ ràng hơn trong phân bổ ngân sách cho cấp xã, phường; đảm bảo chi ngân sách cho các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất được giao; cân nhắc kỹ việc giao Chính phủ điều chỉnh dự toán giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ cấu chi thường xuyên...
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 17/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Tham gia thảo luận ở Tổ 2 gồm các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh. Tại phiên họp, đa số các ĐBQH đều tán thành cao với sự cần thiết ban hành cũng như những nội dung trọng tâm được đề xuất tại các dự án Luật, đồng thời góp ý vào nhiều quy định cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi sau khi ban hành.

Toàn cảnh phiên họp
Đóng góp ý kiến vào nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội được quy định tại Điều 19 của dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, việc Quốc hội quyết định mức chi ngân sách trung ương chi tiết theo từng lĩnh vực giúp cho việc phân bổ ngân sách trung ương được minh bạch, sử dụng đúng mục tiêu, giúp Quốc hội giám sát hiệu quả việc sử dụng ngân sách theo từng nhiệm vụ. Điều này cũng làm căn cứ đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu, đảm bảo sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, khoản chi cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề và lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để thể chế hóa các quy định tại các Nghị quyết của Trung ương về các lĩnh vực này là rất lớn (20% tổng số chi nguồn ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, 3% tổng số chi nguồn ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ). Do đó, việc Quốc hội cần phải nắm rõ để cân đối nguồn lực tổng thể và bố trí ngân sách cho các nhiệm vụ chi khác là phù hợp.
Đối với việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước (Điều 51), đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, Hiến pháp và pháp luật hiện hành quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách Nhà nước; xét về bản chất thì điều chỉnh dự toán cũng là một hình thức “quyết định dự toán” và thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Theo quy định của Luật hiện hành, Quốc hội phân cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan họp ít nhất 01 lần mỗi tháng và có thể họp bất cứ khi nào khi có vấn đề cần xử lý, hoàn toàn có thể bảo đảm tính kịp thời trong việc điều chỉnh dự toán ngân sách Bộ, ngành, địa phương.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển
Dự thảo Luật giao Chính phủ điều chỉnh dự toán giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ cấu chi thường xuyên, đầu tư, điều chỉnh mức vay, bội chi ngân sách địa phương làm thay đổi dự toán ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội quyết định. Xét góc độ pháp luật thì bằng Luật Ngân sách Nhà nước, Quốc hội cũng có thể giao thẩm quyền này cho Chính phủ để bảo đảm sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, xét dưới góc độ bảo đảm sự giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước gắn với trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính thì việc giao thẩm quyền này thường xuyên, liên tục, trong điều kiện bình thường cũng chưa thực sự chặt chẽ. Trong khi đó, thực tế cho thấy, việc điều chỉnh dự toán theo thẩm quyền hiện hành không phát sinh vướng mắc lớn.
Mặt khác, đại biểu Đỗ Đức Hiển cũng cho rằng, hiện nay trong Luật Tổ chức Chính phủ đã có quy định “Trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Quốc hội trong thời gian gần nhất”. Như vậy, với quy định này, pháp luật đã cho phép Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số giải pháp đặc biệt, đặc thù trong trường hợp thực sự khẩn cấp, bao gồm cả vấn đề liên quan đến ngân sách. Do đó, việc sửa đổi quy định như dự thảo Luật cần được cân nhắc kỹ.
Cần có quy định rõ ràng hơn về phân bổ ngân sách cho cấp xã, phường
Nêu quan điểm về việc bố trí, phân bổ ngân sách, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm, sắp tới, các địa phương sẽ thực hiện mô hình chính quyền địa phương theo 2 cấp, bỏ cấp huyện nên việc sửa đổi Luật Ngân sách cũng phải điều chỉnh theo hướng này. Việc phân cấp cho HĐND cấp xã, phường trong việc thực hiện ngân sách cần có quy định cụ thể về thẩm quyền. Bởi hiện nay, chúng ta đã có quy định phân bổ ngân sách cho cấp tỉnh, còn ngân sách ở cấp xã, phường thì lại chưa rõ ràng nên Ban soạn thảo dự án Luật Ngân sách (sửa đổi) cần có quy định cụ thể hơn về quy định phân bổ ngân sách cho cấp xã, phường.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân
Cách phân chia khoản thu và chi của ngân sách địa phương cũng phải tính toán trong bối cảnh có tỉnh, thành đã tự chủ tài chính nhưng cũng còn nhiều địa phương vẫn đang cần sự điều tiết từ ngân sách Trung ương. Do đó, không nên chia nhỏ việc phân bổ ngân sách cho từng địa phương. Ngoài ra, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, hiện nay, nhiều địa phương cần động lực để tăng trưởng, mở rộng không gian phát triển nên không thể thu hẹp ngân sách địa phương. Việc phân bổ ngân sách cũng cần được công khai rộng rãi, minh bạch hơn để dễ quản lý và thực hiện.
Đóng góp ý kiến vào việc đảm bảo ngân sách chi thường xuyên cho các hoạt động phát sinh, đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu lên thực tế là hiện nay, nhiều địa phương, bộ ngành, cơ quan thực hiện nhiệm vụ phát sinh, đột xuất được giao nhưng lại không có nguồn để chi, phải lấy tạm ứng khoản chi từ các nhiệm vụ khác để thực hiện. Điều này đã dẫn đến những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả. Khi bổ sung ngân sách thì các cơ quan không cân đối được các khoản thu, chi.
Với bất cập trên, đại biểu Tô Thị Bích Châu kiến nghị trong sửa đổi Luật Ngân sách, Ban soạn thảo cần chú trọng hơn tới việc giao dự toán ngân sách cho các địa phương phải tính đến đảm bảo cho các đợt tiếp theo, đảm bảo chi ngân sách cho các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất theo nhiệm vụ được giao.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu
Trong khuôn khổ phiên họp, các ĐBQH còn đóng góp vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Theo đó, các ĐBQH thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề quốc tịch và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về quốc tịch.
Tuy nhiên, trước các yêu cầu mới của thực tiễn phát triển của đất nước, các ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam phải đáp ứng tốt hơn nguyện vọng chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài được nhập, được trở lại quốc tịch Việt Nam; đồng thời tiếp tục thu hút, tạo điều kiện, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trên các lĩnh vực trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đa số các ĐBQh thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Luật với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã được nêu tại Tờ trình số 331/TTr-CP. Việc sửa đổi, bổ sung của các 7 luật trên nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, chủ trương của Đảng về sắp xếp, hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến pháp luật về đấu thầu, PPP, đầu tư công... nhằm thúc đẩy phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Một số hình ảnh tại phiên họp:

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu quan điểm tại phiên họp

Đại biểu Trần Anh Tuấn

Đại biểu Nguyễn Tri Thức

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đóng góp ý kiến tại phiên họp.