Tổng Bí thư: Có tỉnh phát triển nhờ xin ngân sách TƯ, không thể phụ thuộc thế được

Tổng Bí thư Tô Lâm sáng nay phát biểu tại hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).

XEM VIDEO:

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, nước ta đã đạt những thành tựu to lớn.

"Chúng ta có quyền tự hào nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận phía trước còn nhiều thách thức gay gắt, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan, không được ngủ quên bên vòng nguyệt quế, không được chậm trễ, càng phải không ngừng đổi mới, cải cách...", Tổng Bí thư nêu rõ.

Không thể đi theo lối mòn cũ

Những đổi mới, cải cách tập trung vào 4 đột phá: Nghị quyết 57 thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN); Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.

Tổng Bí thư: Chúng ta cần một cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc và đồng bộ, với những đột phá mới về thể chế, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và tổ chức bộ máy.

Tổng Bí thư: Chúng ta cần một cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc và đồng bộ, với những đột phá mới về thể chế, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và tổ chức bộ máy.

Theo Tổng Bí thư, 4 Nghị quyết trên là “bộ tứ trụ cột” để đất nước cất cánh. Tổng Bí thư kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chung tay, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh.

Về Nghị quyết 68, Tổng Bí thư cho biết nghị quyết ra đời, thể hiện bước tiến lớn trong tư duy lý luận và chỉ đạo thực tiễn của Đảng.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tổng Bí thư cho rằng quan điểm này đánh dấu sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức chiến lược về vai trò của khu vực tư nhân. Đó là từ vị trí thứ yếu trở thành trụ cột phát triển, song hành cùng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, tạo thành thế “kiềng ba chân” vững chắc cho nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công.

Trước băn khoăn của một số doanh nghiệp, Tổng Bí thư cũng khẳng định vai trò chủ đạo, dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước, chứ không chỉ nhấn mạnh vai trò KTTN.

Nghị quyết khẳng định doanh nhân Việt Nam là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” trong thời kỳ mới. Họ không chỉ góp phần làm giàu cho bản thân mà còn thực hiện sứ mệnh cao cả, đó là dựng xây đất nước hùng cường và thịnh vượng.

Tổng Bí thư phân tích, ai cũng phải lao động sản xuất, tạo ra sản phẩm cho xã hội như vậy xã hội mới giàu có, phát triển được. Không ai có cuộc sống ì lại cả. Ai cũng có quyền mưu cầu cuộc sống phát triển và hạnh phúc, phải đóng góp cho sự phát triển chung của toàn xã hội. Ai cũng có khát vọng phát triển, khát vọng cống hiến, đổi mới sáng tạo.

Đảng và Nhà nước có trách nhiệm để mọi người đều được thực hiện các quyền cơ bản của con người cũng như toàn xã hội.

Dẫn chứng vai trò của KTTN trong phát triển, Tổng Bí thư cho biết ở Hà Nội, TPHCM có quận thu ngân sách cao hơn nhiều lần một tỉnh. Ví dụ quận Hoàn Kiếm chủ yếu nhờ vào doanh nghiệp tư nhân, kinh doanh và dịch vụ để phát triển.

Trong khi các tỉnh có rất nhiều tiềm năng, nhưng lại không sản xuất, không kinh doanh được, không phát triển được doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu lại dựa vào đầu tư công.

"Có đồng chí nói với tôi rằng con đường phát triển của tỉnh chủ yếu về Trung ương để xin ngân sách, xin kế hoạch. Không thể phụ thuộc như thế được", Tổng Bí thư chỉ rõ. Bởi tiền người dân gửi tiết kiệm trong ngân hàng rất lớn vì không kinh doanh, không sản xuất, không mở được doanh nghiệp. Như vậy thì tỉnh làm sao thu được thuế mà người dân lại rất vất vả.

Những tỉnh nghèo thì doanh nghiệp không phát triển. Tổng Bí thư cho hay, chỉ cần một doanh nghiệp lớn thôi, có thể đóng góp hàng chục nghìn tỷ cho nguồn thu của tỉnh. "Nhiều tỉnh khó khăn không phải là thiếu tiền mà không có cách thức để phát triển. Tiền ngân hàng thu lại mang về tỉnh khác tiêu, không tiêu gì ở tỉnh mình, thế là rất thiệt thòi...", Tổng Bí thư nêu.

Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết 68 là đặt nền móng cho sự chuyển biến toàn diện về chính sách phát triển kinh tế tư nhân: từ việc “thừa nhận” sang “bảo vệ, khuyến khích, thúc đẩy”, từ “bổ trợ” sang “dẫn dắt phát triển”.

Đây là sự lựa chọn chiến lược đúng đắn, cấp thiết, mang tầm nhìn dài hạn, nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường vào giữa thế kỷ 21.

Tổng Bí thư: Muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn cũ. Phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất.

Tổng Bí thư: Muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn cũ. Phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất.

Về Nghị quyết 66, Tổng Bí thư cho biết, nghị quyết khẳng định, pháp luật không chỉ đơn thuần là công cụ điều chỉnh hành vi xã hội, mà phải được xem là cơ sở tổ chức, vận hành quyền lực nhà nước, là nền tảng vững chắc để bảo vệ quyền con người, quyền công dân và là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Thể chế pháp luật là động lực, là nền tảng cho phát triển đất nước. Tổng Bí thư nhấn mạnh, một hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch sẽ tạo ra môi trường ổn định cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế và loại bỏ triệt để các rào cản do pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn gây ra.

Tổng Bí thư cho biết: "Đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật: chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, kiến tạo sự phát triển. Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng.

Thi hành pháp luật phải nghiêm minh, công bằng, thực chất, chuyển đổi số phải gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện hóa tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm giải trình, xóa bỏ cơ chế “xin – cho”, triệt tiêu các lợi ích cục bộ và đặc quyền nhóm".

Ông khẳng định, Nghị quyết 66 chính là lời hiệu triệu cho một cuộc cải cách thể chế sâu sắc, nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại, thực chất, vì nhân dân phục vụ, đồng thời tạo ra động lực bền vững xây dựng đất nước.

Tổng Bí thư cũng nêu một số quan điểm trong Nghị quyết 57 và 59.

Đồng sức, đồng lòng thì việc gì khó, làm cũng xong

"4 nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Mặc dù mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu, chúng liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện", Tổng Bí thư thông tin.

Điểm đột phá chung của 4 nghị quyết là tư duy phát triển mới: từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”.

Tổng Bí thư nêu những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2030. Trong đó có hoàn thiện thể chế pháp luật hiện đại, đồng bộ, thúc đẩy phát triển; đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tổng Bí thư nêu rõ nền tảng kỹ thuật quyết định bứt phá năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia, "nếu chúng ta không làm được những việc này thì AI cũng không giải quyết được".

Ngoài ra, phải tăng tốc hội nhập quốc tế toàn diện, chủ động, hiệu quả; phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực chất, trở thành “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia.

Kể từ hội nghị Trung ương 10 (9/2024), Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã làm việc ngày đêm tập trung giải quyết nhiều vấn đề cốt lõi, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tạo không gian phát triển mới cho đất nước.

Tổng Bí thư kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục đồng lòng, chung sức, "vì biết đồng sức, biết đồng lòng/việc gì khó, làm cũng xong".

Trần Thường

Hoàng Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-co-dong-chi-noi-con-duong-phat-trien-cua-tinh-chu-yeu-xin-ngan-sach-2402338.html
Zalo