Đề xuất cơ chế đặc biệt cho bảo hiểm tiền gửi
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất việc bảo hiểm tiền gửi tham gia vào quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; đồng thời quy định về chi trả tiền bảo hiểm trong trường hợp tổ chức tín dụng phá sản…
NHNN đang lấy ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi (sửa đổi). NHNN cho biết, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã bổ sung quy định về xử lý trong trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, trong đó quy định một số biện pháp ứng phó từ tự thân tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, biện pháp từ cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, theo NHNN, để ứng phó khủng hoảng cần có một cơ chế tổng thể của nhiều biện pháp, trong đó có sự tham gia của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi.

NHNN đề xuất bảo hiểm tiền gửi tham gia sâu vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng.
Do đó, tại Dự thảo xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi (sửa đổi), NHNN đề xuất nhiều quy định để bảo hiểm tiền gửi tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém.
Cụ thể, bổ sung quy định chi tiết về việc tổ chức bảo hiểm tiền gửi cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để thực hiện phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc.
Bổ sung quy định bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tự quyết định về việc cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bị mất hoặc có nguy cơ mất khả năng chi trả để chi trả tền gửi cho người gửi tiền và được vay đặc biệt của NHNN khi nguồn vốn tạm thời không đủ để cho vay hỗ trợ chi trả.
Nghiên cứu, bổ sung cơ chế để tổ chức bảo hiểm tiền gửi tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng; Bổ sung cơ chế để tận dụng nguồn lực của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong quá trình xử lý sự cố khủng hoảng trong hoạt động của tổ chức tín dụng, tránh nguy cơ rủi ro lan truyền hệ thống.
Đối với quy định về trả tiền bảo hiểm, Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định cho phép bảo hiểm tiền gửi tham gia sớm hơn việc chi trả cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng yếu kém.
Đặc biệt, Dự thảo bổ sung quy định, trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định chi trả toàn bộ các khoản tiền gửi được bảo hiểm của người gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của NHNN.
Theo cơ quan soan thảo, đề xuất này nhằm tránh được phản ứng dây chuyền rút tiền hàng loạt của người gửi tiền, giảm thiểu rủi ro về thanh khoản của tổ chức tín dụng.