Đề xuất chuyên gia lĩnh vực đặc thù không phải cấp giấy phép lao động khi vào Việt Nam
Các trường hợp đặc thù như chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và lĩnh vực ưu tiên phát triển, được các Bộ, cơ quan ngang Bộ xác nhận, thì không thuộc diện cấp giấy phép lao động, theo đề xuất của Bộ Nội vụ...

Ảnh minh họa: TTXVN.
Tại dự thảo Nghị định quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Bộ Nội vụ đề xuất nhiều nội dung thay đổi so với Nghị định số 152/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 70/2023/NĐ-CP quy định người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
GIẢM THỜI GIAN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CÒN 10 NGÀY
Theo dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất giảm thời gian cấp giấy phép. Cụ thể, sửa đổi quy định theo hướng lồng ghép thủ tục báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài vào thủ tục nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động. Theo phương án này, dự kiến tối đa giảm thời gian cấp giấy phép lao động từ 36 ngày theo lịch, còn 10 ngày theo lịch nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.
Về giấy khám sức khỏe cũng được sửa đổi theo hướng quy định giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài, hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ban hành đến ngày nộp hồ sơ.
Trường hợp giấy khám sức khỏe do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, phải đảm bảo không mắc các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan ra cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Về phiếu lý lịch tư pháp, hiện nay dự thảo Nghị định chia theo 2 nhóm đối tượng đối với nhà quản lý, nhà đầu tư, chuyên gia vào để xử lý các tình huống khẩn cấp chỉ báo cáo với cơ quan có thẩm quyền nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc trước 3 ngày, mà không phải làm bất cứ thủ tục cấp giấy phép lao động, hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động (trong đó không phải xin phiếu lý lịch tư pháp).
Đối với các trường hợp xin xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, thì không phải xin lý lịch tư pháp. Dự thảo cũng bổ sung thêm các trường hợp được xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cụ thể như: Được các Bộ, cơ quan ngang bộ xác nhận vào Việt Nam làm việc trong các lĩnh vực tài chính, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Bên cạnh đó, Bộ Nội cụ cũng đề xuất quy định xác nhận điều kiện chuyên gia theo hướng đơn giản, thuận lợi. Sửa đổi quy định về điều kiện chuyên gia theo hướng bổ sung một số trường hợp chỉ tốt nghiệp đại học cũng đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, lĩnh vực Việt Nam ưu tiên phát triển hoặc theo thỏa thuận hợp tác của Chính phủ Việt Nam.
PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN TRIỆT ĐỂ CHO ĐỊA PHƯƠNG
Đối với việc thực hiện phân cấp về thẩm quyền cấp giấy phép, hiện nay, Bộ Nội vụ thực hiện triệt để việc phân cấp và chỉ thực hiện các thủ tục hành chính cho các đơn vị gồm: (i) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cho phép thành lập, các cơ quan đối ngoại của Trung ương, và các đơn vị do Trung ương thành lập thì do Bộ Nội vụ cấp giấy phép lao động.
(ii) Người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (iii) Trường hợp người sử dụng lao động có trụ sở chính tại một tỉnh, thành phố, nhưng có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại tỉnh, thành phố khác, thì thêm phương án lựa chọn giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Nội vụ. Việc này nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người sử dụng lao động có thêm phương án lựa chọn.

Lao động nước ngoài. Ảnh minh họa: Internet.
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để, theo hướng người lao động nước ngoài thuộc thẩm quyền cấp giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động của Bộ Nội vụ trước đây, được lựa chọn giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Nội vụ, hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh.
Theo đó, đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm tại tỉnh, thành phố, thì thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương.
Trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập, được lựa chọn nộp hồ sơ cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động, và xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động tại Bộ Nội vụ, hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh.
Đối với việc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, dự thảo bổ sung các thủ tục hành chính về cấp lại, gia hạn và thu hồi xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, để phù hợp với quy định tại Điều 157 của Bộ luật Lao động, giao Chính phủ hướng dẫn.
Đồng thời, việc này cũng để phù hợp với thực tế các trường hợp giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động bị hỏng, bị mất, hoặc hết hạn, nhưng không được nộp cấp lại, hoặc gia hạn, mà phải nộp cấp mới xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Ngoài ra, dự kiến sẽ thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử, và xây dựng cơ sở dữ liệu người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thống nhất từ Trung ương đến địa phương; kết nối với các cơ sở dữ liệu hành chính về công dân nước ngoài vào Việt Nam.