Đề xuất cách xác định thời gian và hạn tuổi để tính hưởng chính sách, chế độ khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong Quân đội

Bộ Quốc phòng đang tổ chức lấy ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong Quân đội.

Dự thảo Thông tư có 12 điều, gồm: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng (Điều 1, Điều 2); cách xác định thời điểm làm căn cứ tính hưởng chính sách, chế độ đối với các trường hợp nghỉ trong thời hạn 12 tháng đầu tiên và từ tháng thứ 13 trở đi; tiền lương tháng để tính hưởng chính sách, chế độ (Điều 3); cách xác định thời gian và hạn tuổi để tính hưởng chính sách, chế độ (Điều 4); cách tính hưởng chính sách đối với các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi (Điều 5); cách tính hưởng chính sách phục viên đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (Điều 6); cách tính hưởng chính sách nghỉ thôi việc đối với công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân (Điều 7); chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ sau sắp xếp (Điều 8); kinh phí bảo đảm (Điều 9); trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (Điều 10); hiệu lực và trách nhiệm thi hành (Điều 11, Điều 12).

Đối tượng được đề xuất áp dụng và chưa xem xét áp dụng

Khoản 1 Điều 2 đề xuất đối tượng áp dụng gồm có:

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng;

- Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Khoản 2 Điều 2 đề xuất các đối tượng chưa xem xét áp dụng thực hiện chính sách, chế độ gồm:

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân là nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; trừ trường hợp đủ điều kiện, cá nhân tự nguyện phục viên, nghỉ thôi việc hoặc nghỉ hưu trước tuổi.

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thanh tra, kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm.

Cách xác định thời gian và hạn tuổi để tính hưởng chính sách, chế độ

Điều 4 Dự thảo Thông tư đề xuất cách xác định thời gian và hạn tuổi để tính hưởng chính sách, chế độ như sau:

1. Số tháng nghỉ hưu trước tuổi để tính hưởng trợ cấp hưu trí một lần là số tháng tính từ tháng có quyết định nghỉ việc hưởng lương hưu hằng tháng của cấp có thẩm quyền so với hạn tuổi phục vụ cao nhất theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều này; tối đa không quá 60 tháng.

2. Số năm nghỉ hưu trước tuổi để tính hưởng trợ cấp cho số năm nghỉ hưu trước tuổi là số năm được tính từ tháng có quyết định hưởng lương hưu hằng tháng của cấp có thẩm quyền so với hạn tuổi phục vụ cao nhất theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều này.

3. Số tháng để tính hưởng trợ cấp phục viên, nghỉ thôi việc hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6, khoản 1 Điều 7 Thông tư này là thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội và lực lượng vũ trang; tối đa không quá 60 tháng.

4. Thời gian để tính hưởng trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hướng dẫn tại điểm b, điểm c khoản 1; điểm b, điểm c khoản 2 Điều 5; khoản 2 Điều 6; khoản 2 Điều 7 Thông tư này thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.

5. Cách xác định hạn tuổi cao nhất để tính hưởng chính sách, chế độ nghỉ hưu trước tuổi:

a) Hạn tuổi phục vụ cao nhất:

- Đối với sĩ quan thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 52/2024/QH15.

- Đối với quân nhân chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng số 98/2015/QH13.

- Đối với công nhân và viên chức quốc phòng thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng số 98/2015/QH13.

- Đối với người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Cơ yếu số 05/2011/QH13; Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.

b) Cấp bậc quân hàm để xác định hạn tuổi cao nhất: Cấp bậc quân hàm để xác định hạn tuổi cao nhất là cấp bậc quân hàm của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại thời điểm có quyết định nghỉ hưu (nghỉ chuẩn bị hưu) của cấp có thẩm quyền.

c) Cách xác định tuổi của các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi: Tuổi để xác định các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi so với hạn tuổi theo hướng dẫn tại điểm a khoản này được tính từ tháng sinh đến tháng liền kề trước khi hưởng lương hưu hằng tháng.

Các ý kiến tham gia đóng góp xin gửi về Bộ Quốc phòng qua email: info@mod.gov.vn hoặc về Cổng Thông tin điện tử ngành Chính sách Quân đội http://chinhsachquandoi.gov.vn hoặc bằng văn bản về Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị (địa chỉ: Số 38A, phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).

Báo Quân đội nhân dân sẽ tiếp tục đăng tải các nội dung khác liên quan đến Dự thảo Thông tư này.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/de-xuat-cach-xac-dinh-thoi-gian-va-han-tuoi-de-tinh-huong-chinh-sach-che-do-khi-sap-xep-tinh-gon-to-chuc-bo-may-trong-quan-doi-815681
Zalo