Đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa nhiệt độ dưới 18.000 BTU

Thống nhất với đề xuất Chính phủ, Dự thảo sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt chỉnh lý theo hướng chỉ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với điều hòa nhiệt độ có công suất từ 18.000 BTU đến 90.000 BTU.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: Media Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: Media Quốc hội.

Sáng ngày 9/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Trước khi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đã trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Về đối tượng chịu thuế là điều hòa nhiệt độ, Ủy ban Kinh tế và Tài chính giải thích hiện nay, nhu cầu sử dụng điều hòa đã trở nên phổ biến để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ để chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Với những máy điều hòa có công suất nhỏ hơn 18.000 BTU và trên 90.000 BTU, sẽ không thuộc diện bị đánh thuế.

Về việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường là bước đi đầu tiên trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có nhiều đường trong thực phẩm, đồ uống, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng. Đây là một trong các nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để có thể cân nhắc khả năng bổ sung các sản phẩm khác có chứa đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế và Tài chính, mặt hàng này mới được bổ sung vào đối tượng chịu thuế nên cần có lộ trình thực hiện để các doanh nghiệp có thời gian thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, từng bước chuyển đổi sang các sản phẩm có hàm lượng đường thấp.

Tiếp thu các ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của cơ quan soạn thảo xin được chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình thực hiện: Từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8%, từ năm 2028 áp dụng thuế suất 10%.

Về thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, để có thể tác động mạnh đến giá bán của các mặt hàng có hại cho sức khỏe, làm giảm tiêu dùng, khắc phục các hệ lụy nghiêm trọng của việc lạm dụng rượu, bia và tác hại của thuốc lá, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 đã đưa ra 2 phương án tăng thuế và đề xuất áp dụng theo phương án 2 (là phương án tăng thuế triệt để hơn) đối với rượu, bia, thuốc lá.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, cùng mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, Chính phủ đề nghị áp dụng theo phương án 1 với mức thuế thấp hơn phương án 2 và bắt đầu áp dụng từ năm 2027 để phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho chỉnh lý dự thảo Luật như đề nghị của Chính phủ. Theo đó, dự thảo luật quy định với rượu trên 20 độ và bia, mức thuế suất được đề xuất tăng theo từng năm, mỗi năm tăng 5%. Cụ thể, từ năm 2027 đến 2031, mức thuế suất cho mặt hàng này sẽ tăng từ 70% đến 90%.

Về đối tượng không chịu thuế là hàng hóa đã xuất khẩu bị phía nước ngoài trả lại phải nhập khẩu lại vào Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nguyên tắc, hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vì vậy, khi nhập khẩu lại vào Việt Nam thì phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt tương tự như các hàng hóa nhập khẩu khác.

Tuy nhiên, đối với trường hợp hàng được bán qua doanh nghiệp thương mại để xuất khẩu thì bên bán (doanh nghiệp sản xuất hoặc doanh nghiệp nhập khẩu) đã phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, như vậy, nếu tiếp tục bị đánh thuế khi nhập khẩu do bị khách hàng trả lại thì số hàng hóa này sẽ bị đánh thuế 2 lần.

Để không đánh thuế 2 lần cùng một sản phẩm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý nội dung này theo hướng quy định rõ "hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt bị phía nước ngoài trả lại khi nhập khẩu" thì thuộc đối tượng không chịu thuế.

Về đối tượng không chịu thuế là hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào kho ngoại quan sau đó xuất khẩu sang nước khác, dự thảo luật đã bỏ quy định không thu thuế đối với hàng hóa đưa vào khu phi thuế quan của luật hiện hành. Theo đó, kể cả hàng hóa nhập khẩu vào kho ngoại quan chỉ với mục đích để gửi, trung chuyển sau đó xuất khẩu sang nước khác cũng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này chưa phù hợp nguyên tắc thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đánh đối với hàng hóa được tiêu dùng tại Việt Nam.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung các đối tượng này vào diện không chịu thuế tương tự như các hàng hóa quá cảnh khác và chỉnh lý tương ứng (hàng hóa quá cảnh theo quy định của pháp luật thương mại, quản lý ngoại thương; hàng hóa chuyển khẩu, trung chuyển; hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào kho ngoại quan sau đó xuất khẩu sang nước khác theo quy định của pháp luật hải quan).

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/de-xuat-bo-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-dieu-hoa-nhiet-do-duoi-18000-btu-41314.html
Zalo