ĐBQH Lâm Đồng Trịnh Thị Tú Anh: Cần những tiêu chuẩn đủ tham vọng để khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Ngày 10/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Ngay sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật.

Quang cảnh kỳ họp thứ 9

Quang cảnh kỳ họp thứ 9

Tại phiên thảo luận, 8 đại biểu đã phát biểu, cơ bản thống nhất với nội dung giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu tập trung góp ý vào nhiều nhóm vấn đề lớn như: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; cơ chế vận hành, chia sẻ dữ liệu bảo mật; công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa; thẩm quyền thẩm định, nguyên tắc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; trách nhiệm khi công bố sai lệch hợp chuẩn, hợp quy; cũng như chính sách, quyền - nghĩa vụ của các tổ chức đánh giá sự phù hợp…

Đáng chú ý, nhiều đại biểu đề nghị cần tăng cường sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học và hiệp hội ngành nghề vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Một số ý kiến cũng kiến nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về nội dung và nhiệm vụ chiến lược tiêu chuẩn quốc gia trong thời kỳ mới.

Thay mặt cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung được các đại biểu quan tâm.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH Lâm Đồng phát biểu

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH Lâm Đồng phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu chuyên trách Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, tập trung vào hai nhóm vấn đề trọng tâm nhằm cải cách môi trường pháp lý trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, hướng đến hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trên bản đồ tiêu chuẩn thế giới.

Thứ nhất, về việc cắt giảm thủ tục áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) và tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, đại biểu cho rằng, nhiều quy chuẩn hiện nay đang vô hình trung tạo ra rào cản kỹ thuật không đáng có, làm gia tăng chi phí, kéo dài thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, đặc biệt với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo đại biểu Tú Anh, việc quản lý hành chính nặng về tiền kiểm đối với cả những sản phẩm rủi ro thấp đang phân tán nguồn lực của cơ quan quản lý và làm giảm động lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Đại biểu kiến nghị: Thu hẹp phạm vi áp dụng bắt buộc của QCVN, chỉ áp dụng với các sản phẩm thực sự có nguy cơ cao; rà soát, phân loại lại danh mục hàng hóa nhóm II, chuyển sang mô hình doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn áp dụng và tự chịu trách nhiệm pháp lý; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm hiệu quả, giảm gánh nặng hành chính và tăng hiệu lực quản lý dựa trên đánh giá rủi ro.

Thứ hai, về việc phát triển hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) mang tính dẫn dắt, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, việc Việt Nam hiện có trên 60% TCVN hài hòa từ tiêu chuẩn quốc tế là cần thiết, nhưng chưa đủ. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, cần có chiến lược để phát triển các tiêu chuẩn "Make in Vietnam" có khả năng định hình thị trường và gia tăng giá trị quốc gia.

Đại biểu đề xuất: Ban hành chính sách quốc gia phát triển TCVN tiên phong, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, y học cổ truyền, kinh tế tuần hoàn… Thiết lập cơ chế đặt hàng nghiên cứu - xây dựng TCVN từ Nhà nước và thị trường, kết hợp hài hòa giữa nhu cầu nội địa và định hướng hội nhập. Trao quyền mạnh hơn cho doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia trong toàn bộ chu trình xây dựng tiêu chuẩn; đồng thời, cơ quan quản lý cần chuyển sang vai trò kiến tạo, điều phối thay vì can thiệp hành chính cứng nhắc.

Đại biểu nêu quan điểm: “Phát triển tiêu chuẩn không còn là câu chuyện kỹ thuật, mà là chiến lược quốc gia. Chúng ta cần những tiêu chuẩn đủ tham vọng để khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế”.

Ngày mai, 12/5, buổi sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe các nội dung: (i) Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; (ii) Tờ trình về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; (iii) Tờ trình về ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; (iv) Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; (v) Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Buổi chiều: Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: (i) Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; (ii) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; (iii) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; (iv) Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202505/dbqh-lam-dong-trinh-thi-tu-anh-can-nhung-tieu-chuan-du-tham-vong-de-khang-dinh-vi-the-viet-nam-tren-truong-quoc-te-a5b0acf/
Zalo