Đề xuất bổ sung đối tượng tham gia trả lời chất vấn
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị bổ sung đối tượng tham gia trả lời chất vấn.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 15/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Bổ sung đối tượng tham gia trả lời chất vấn tại địa phương
Liên quan đến vấn đề đối thoại giữa chính quyền địa phương với Nhân dân được qui định tại khoản 1, Điều 8, góp ý tại hội trường đại biểu Nguyễn Tạo- đoàn Lâm Đồng cho biết: Việc đối thoại với nhân dân đã giúp chính quyền giải quyết và xử lý được nhiều vấn đề phát sinh trong công tác quản lý và điều hành của các cấp chính quyền, thực tế đã chỉ rõ nơi nào chính quyền thực hiện tốt hoạt động đối thoại với nhân dân thì nơi đó có được sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân đối với hoạt động của chính quyền.
![Đại biểu Nguyễn Tạo- đoàn Lâm Đồng. Ảnh: QH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_35_51483279/30b9c76af4241d7a4435.jpg)
Đại biểu Nguyễn Tạo- đoàn Lâm Đồng. Ảnh: QH
Do đó, đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi theo hướng là “Chính quyền địa phương các cấp kịp thời tổ chức các hội nghị đối thoại với nhân dân khi triển khai các chính sách lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước và của địa phương hoặc khi có các vấn đề phát sinh tạo dư luận, kiến nghị, thắc mắc của đông đảo nhân dân trên địa bàn…”
Đồng thời, tại Điều 38, dự thảo Luật quy định Nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND, theo đó khoản 5 quy định: “đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND cùng cấp” và tại khoản 1 Điều 40 quy định “Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và một số Ủy viên”. “Như vậy chỉ có một số người đứng đầu cơ quan chuyên môn được HĐND cùng cấp bầu là Ủy viên UBND"- đại biểu phân tích vàđề nghị bổ sung thêm đối tượng được đại biểu HĐND chất vấn là “người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND”.
![Sáng 15/2 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: QH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_35_51483279/8ec47b174859a107f848.jpg)
Sáng 15/2 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: QH
Ngoài ra, tại phiên chất vấn, thực tế có trường hợp đại biểu HĐND chất vấn người đứng đầu các cơ quan trung ương đóng tại địa phương như cơ quan Thuế, Hải quan, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước… về các vấn đề có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, vì vậy đại biểu Nguyễn Tạo đề xuất cần bổ sung vào khoản 5 đối tượng trả lời chất vấn là “Người đứng đầu các cơ quan trung ương đóng tại địa phương”.
Không đưa lãnh đạo sở, ngành vào ủy viên UBND
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho biết, về cơ bản thống nhất với các nội dung tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
![Đại biểu Hà Sỹ Đồng - đoàn Quảng Trị. Ảnh: QH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_35_51483279/3fd4cb07f84911174858.jpg)
Đại biểu Hà Sỹ Đồng - đoàn Quảng Trị. Ảnh: QH
Tuy nhiên, ông Đồng cũng chỉ ra những điểm cần sửa đổi để luật hoàn thiện hơn. Về điều 3, Phân loại đơn vị hành chính và phân định đơn vị hành chính thuộc khu vực miền núi, vùng cao, hải đảo, ông Đồng cho rằng không nên phân loại đơn vị hành chính.
"Các đơn vị hành chính được thành lập cần phải căn cứ vào an ninh, quốc phòng, chính trị địa lý, kinh tế - xã hội, nhưng lâu nay chỉ thuần túy dựa vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế xã hội là chưa chuẩn xác" - đại biểu Hà Sỹ Đồng bày tỏ ý kiến, đồng thời đặt câu hỏi nếu căn cứ quy định này, vậy tiêu chí tỉnh đông dân quan trọng hơn hay diện tích rộng quan trọng hơn?
Tiếp thu giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã góp ý để hoàn thiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đồng thời khẳng định, Ban soạn thảo sẽ chỉnh lý dự án, rà soát để hoàn thiện luật.