Đề xuất bổ sung đối tượng hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội

Thảo luận tại Tổ 9 sáng 21/5 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đối tượng có điều kiện được thuê, mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi...

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 9

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 9

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 21/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Vũ Đại Thắng điều hành Phiên thảo luận tại Tổ 9 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ninh, Tây Ninh, Bến Tre và Hòa Bình.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Vũ Đại Thắng điều hành Phiên thảo luận tại Tổ 9

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Vũ Đại Thắng điều hành Phiên thảo luận tại Tổ 9

Góp ý về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nhà ở xã hội (NOXH); tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng NOXH. Các ý kiến nhận thấy, dự thảo Nghị quyết bổ sung 03 chính sách mới so với Kết luận của Bộ Chính trị, do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về nội dung này.

Các ý kiến cơ bản tán thành với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của dự thảo Nghị quyết và cho rằng, các cơ chế, chính sách ưu đãi về NOXH góp phần nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là đối tượng chịu sự tác động của việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Quy định rõ đối tượng sau sắp xếp được thực hiện quyền lợi mua NOXH

Nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình khẳng định, việc ban hành Nghị quyết này trong bối cảnh hiện nay nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, giảm bớt các thủ tục với mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tham gia đầu tư xây dựng NOXH, đồng thời sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng một triệu căn NOXH cho các tỉnh, thành.

Nhận định với điều kiện cũng như quy trình thủ tục thực hiện như hiện nay, việc hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn NOXH là vô cùng khó khăn, đại biểu Đặng Bích Ngọc đánh giá: “Trong khi thực tế người dân, đặc biệt những người có hoàn cảnh khó khăn, những người có thu nhập thấp, những cán bộ, công chức, người lao động theo diện tới đây phải thực hiện việc tinh gọn và sáp nhập các đơn vị hành chính, để có quỹ nhà ở xã hội tạo điều kiện cho lực lượng này tôi thấy rất khó. Vì vậy, việc chúng ta thông qua Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 9 là rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay”.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Đồng tình với quy định giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NOXH không thông qua đấu thầu tại Điều 5 của dự thảo, đại biểu Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh, đây là một trong những quan điểm thông thoáng cũng như tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta thực hiện chỉ định thầu đối với các dự án NOXH nếu như đã có mặt bằng sạch. “Quy định như dự thảo Nghị quyết lần này góp phần giúp chúng ta thực hiện quy trình nhanh chóng và đảm bảo điều kiện cho các đơn vị, các chủ đầu tư cũng như các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để xây dựng NOXH sớm cho các đối tượng”, đại biểu nêu quan điểm.

Liên quan đến điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, tại Điều 9 có quy định: “Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sắp xếp lại căn cứ vào phạm vi đơn vị hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có dự án trước thời điểm sắp xếp lại để xác định điều kiện về nhà ở đối với đối tượng được mua thuê, mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở”. Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị cần quy định rõ các đối tượng cán bộ, công chức, người lao động khi đến làm việc ở đơn vị mới sau sắp xếp được thực hiện quyền lợi mua NOXH như các đối tượng hiện nay chúng ta đang áp dụng. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đối tượng khi sang làm việc có điều kiện được thuê hoặc được mua với giá ưu đãi, với các điều kiện chúng ta lược giảm bớt một cách tối đa.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh người dân tiếp cận với NOXH còn nhiều khó khăn, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, cần phải tạo được Quỹ nhà ở xã hội rộng lớn, số lượng nhiều, đảm bảo theo đúng mục tiêu; cùng với đó, cần có những cơ chế đặc biệt, đặc thù giúp cho việc tổ chức thực hiện từ Trung ương đến địa phương thuận lợi và đảm bảo được mục tiêu cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Làm rõ tiêu chí, nguồn đóng góp và sử dụng Quỹ NOXH

Thống nhất cao với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nhận thấy, đây là vấn đề được Chính phủ đưa ra rất đúng và kịp thời vì hiện nay chúng ta đang thực hiện chương trình phát triển 1 triệu căn NOXH. Đại biểu cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay ở các địa phương là (1) tính ưu đãi cho các nhà đầu tư khi tham gia xây dựng NOXH; (2) có quỹ đất để phát triển NOXH; (3) trong quá trình phát triển NOXH, làm sao cho các đối tượng thụ hưởng NOXH được tiếp cận dễ dàng và không làm khó khăn cho ngân hàng trong quá trình cung cấp nguồn nguồn tín dụng để phát triển NOXH cũng như tạo điều kiện để mua NOXH.

Góp ý về Quỹ nhà ở quốc gia tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, đối với nhà đầu tư, vấn đề tiếp cận, vay vốn hay là huy động các nguồn vốn để phát triển NOXH còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, đại biểu bày tỏ mong muốn thành lập Quỹ nhà ở xã hội ở cấp quốc gia và địa phương. Trong đó, cần thiết kế để Quỹ nhà ở xã hội này ở cấp địa phương gắn với ngân hàng chính sách xã hội; làm rõ tiêu chí cũng như nguồn đóng góp và sử dụng Quỹ này.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn kỳ vọng nhà đầu tư có thể tiếp cận Quỹ nhà ở xã hội để họ xây dựng các dự án NOXH; đồng thời tạo điều kiện cho người mua nhà dễ dàng tiếp cận NOXH và có thể trả trong thời hạn khoảng 15-20 năm với lãi suất của ngân hàng, Quỹ này có thể bù mức lãi suất… Do đó, đại biểu đề nghị cần quan tâm đến nguồn để đóng góp Quỹ và cách Quỹ hỗ trợ cho người mua nhà để người dân có thể tiếp cận được.

Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh băn khoăn về tên gọi là Quỹ nhà ở quốc gia nhưng lại được thành lập cả ở Trung ương và địa phương và Quỹ nhà ở quốc gia ở địa phương là cấp nào?

“Địa phương gồm tỉnh và xã. Vậy Quỹ nhà ở quốc gia ở địa phương phải gắn với tên tỉnh. Do đó, cần làm rõ chức năng trong Quỹ nhà ở quốc gia để minh bạch và công khai hơn trong quá trình triển khai thực hiện”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị.

Bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về NOXH

Đồng tình với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Ngô Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh góp ý về đối tượng áp dụng. Trong dự thảo Nghị quyết có nêu việc Nghị quyết này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng sở hữu nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Đại biểu Ngô Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu Ngô Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu Ngô Hoàng Ngân đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về NOXH liên quan đến các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nhưng không nằm trong khu công nghiệp. “Quy định này rất cần, nhất là liên quan đến NOXH đối với các đơn vị khi sử dụng nhiều lao động, số lao động ấy không thể tuyển ở các địa bàn lân cận ở các đơn vị mà phải tuyển lao động ở các địa bàn ở các tỉnh xa. Do vậy, lực lượng này rất cần nhà lưu trú và nhà xã hội”, đại biểu nêu quan điểm. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cũng chưa đề cập đến nội dung này. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi về NOXH hoặc nhà ở lưu trú mà các doanh nghiệp sử dụng lượng lao động lớn và được tuyển dụng ở nhiều địa phương để tham gia sản xuất.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Cùng quan điểm nêu trên về đối tượng áp dụng, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần mở rộng phạm vi nhà ở lưu trú công nhân không chỉ nằm trong khu công nghiệp. Cùng với đó, nên khuyến khích doanh nghiệp sản xuất có điều kiện về quỹ đất xây dựng nhà ở lưu trú công nhân…

Liên quan đến các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, dự thảo Nghị quyết quy định cắt giảm các thủ tục rất đáng kể. Các ý kiến cho rằng, chúng ta không chỉ cắt giảm bớt các thủ tục mà quan trọng nhất là thực hiện thủ tục trong thời gian nhanh nhất, giải quyết cấp các chủ trương liên quan đến các dự án đầu tư cũng phải nhanh.

Cũng tại Phiên họp, các ý kiến thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=94216
Zalo