Đề xuất bỏ hình phạt tử hình 8/18 tội danh

Dự án Luật đề xuất bỏ hình phạt tử hình, thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 08/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành.

Sáng nay, ngày 20/5, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự theo trình tự, thủ tục rút gọn ngay tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Đề xuất bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội danh

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Bộ luật Hình sự là thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thu hẹp hình phạt tử hình; rà soát lại những quy định hiện đang bất cập; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy với giải pháp là “có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy” và “khẩn trương nghiên cứu áp dụng chính sách hình sự nghiêm khắc hơn để giảm cầu ma túy, chặn đứng mối quan hệ cung, cầu ma túy”.

Đồng thời, sau hơn 08 năm thi hành, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, như các quy định về hình phạt tử hình còn nhiều bất cập; một số quy định chưa phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Một số quy định về hình phạt tù, phạt tiền chưa đảm bảo tính răn đe, nhất là đối với các loại tội phạm đang có nhiều diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong thời gian qua như tội phạm về ma túy, môi trường, hàng giả, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự là yêu cầu cấp thiết, khách quan.

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình

Thực hiện phân công của Chính phủ, Bộ Công an đã tiến hành xây dựng hồ sơ dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bố cục dự thảo Luật gồm 04 điều: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (gồm sửa đổi, bổ sung 52 điều, trong đó, 18 điều luật liên quan đến việc thu hẹp hình phạt tử hình; 04 điều luật sửa đổi về nội dung; 02 điều luật sửa đổi để phù hợp với cơ cấu, tổ chức bộ máy mới sau khi không tổ chức Công an cấp huyện và tên gọi của các bộ sau khi thực hiện phương án sáp nhập.

Các điều luật khác sửa đổi, điều chỉnh mức hình phạt tiền lên gấp đôi để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội; một số tội danh về môi trường, an toàn thực phẩm, ma túy nâng mức hình phạt tù để bảo đảm tính răn đe; Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan; Điều 3. Hiệu lực thi hành; Điều 4. Điều khoản chuyển tiếp.

Về nội dung sửa đổi liên quan đến hình phạt tử hình, dự án Luật đề xuất bỏ hình phạt tử hình, thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 08/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành.

Cụ thể, 8 tội danh có khung hình phạt tử hình của Bộ luật Hình sự hiện hành dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Tội gián điệp (Điều 110); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), Tội tham ô tài sản (Điều 353), Tội nhận hối lộ (Điều 354).

Bổ sung trường hợp không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS, đang có nhiễm trùng cơ hội.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh để đảm bảo tính răn đe, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, phù hợp với các quy định pháp luật quốc tế như tội phạm về môi trường, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, ma túy.

Dự thảo Luật cũng bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy. Sửa đổi, bổ sung một số quy định của 04 luật: Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Công an nhân dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục và tổ chức thi hành án tử hình, đồng bộ với nội dung sửa đổi, bổ sung của Bộ luật Hình sự, phục vụ yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nâng mức hình phạt tù đối với một số tội phạm môi trường, an toàn thực phẩm, ma túy

Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội (UBPLTP) Hoàng Thanh Tùng cho biết, UBPLTP tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS với những lý do nêu tại Tờ trình của Chính phủ; đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích cực, nỗ lực nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội bảo đảm nội dung, tiến độ theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, nhất là các nội dung liên quan đến thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Hồ sơ dự án Luật đầy đủ các tài liệu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn.

UBPLTP nhận thấy, nội dung dự thảo Luật cơ bản bám sát, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các nghị quyết của Đảng ban hành trong thời gian gần đây như Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW… để thể chế hóa ngay trong BLHS.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật với các luật có liên quan đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 nhằm tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

UBPLTP cũng cơ bản tán thành việc nâng mức hình phạt tù đối với một số tội phạm về môi trường, về ma túy và vi phạm quy định về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Về nâng mức phạt tiền là hình phạt chính và hình phạt bổ sung tại một số tội danh, UBPLTP tán thành với dự thảo Luật về nâng mức phạt tiền là hình phạt chính và hình phạt bổ sung lên gấp 02 lần đối với một số tội danh cụ thể của Chương các tội phạm về môi trường, Chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành BLHS.

Có ý kiến đề nghị, thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, đối với các tội danh về kinh tế, môi trường khi áp dụng hình phạt thì cần tuân thủ nguyên tắc: trường hợp trong cùng một khung hình phạt mà hình phạt chính có cả hình phạt tù và hình phạt tiền thì ưu tiên áp dụng hình phạt tiền; đồng thời, đề nghị nâng mức phạt tiền là hình phạt chính lên mức phù hợp và người phạm tội phải khắc phục những hậu quả do hành vi của mình gây ra.

Thanh Hòa

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/de-xuat-bo-hinh-phat-tu-hinh-818-toi-danh-co-khung-hinh-phat-tu-hinh_178198.html
Zalo