Có trường hợp mười mấy năm, muốn thi hành án tử hình sớm mà không được

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) cho hay có nhiều trường hợp phải chờ đợi hàng chục năm, 'sống dở, chết dở', muốn thi hành án tử hình sớm mà không được...

Chiều ngày 20-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu góp ý là quy định về thời hạn xét đơn xin giảm án tử hình.

Nhất trí với bổ sung quy định về thời hạn xét đơn xin giảm án tử hình, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho hay bản thân ông cùng đoàn công tác của Ủy ban khi đi giám sát, khảo sát hàng năm tại các trại tạm giam thì thấy có bất cập trong việc thi hành án tử hình.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà. Ảnh: Trọng Phú

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà. Ảnh: Trọng Phú

“Đó là việc chúng ta tuyên án tử hình nhưng bị án tử hình bị tạm giam một thời gian rất dài mà không được thi hành án”, ông nói.

Theo ông Hà, điều này gây ra áp lực rất lớn cho công tác quản lý các trại tạm giam, thậm chí gây nguy hiểm rất lớn cho những cán bộ làm công tác quản lý, giáo dục ở các trại tạm giam này.

“Những bị án tử hình là những đối tượng đã hết hy vọng, luôn luôn tìm cách chống đối việc quản lý, cải tạo, giam giữ. Vì vậy, cần bổ sung một thời hạn xem xét đơn giảm án tử hình để hết thời hạn đó, những bị án tử hình sẽ được thi hành án. Điều này sẽ khắc phục được những bất cập của thực tiễn mà tôi vừa nêu trên”, ông đề nghị.

 Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Hải Trung. Ảnh: Phạm Thắng

Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Hải Trung. Ảnh: Phạm Thắng

Từng đảm nhiệm cương vị Giám đốc Công an Thanh Hóa và Giám đốc Công an TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) cho hay số trường hợp chờ thi hành án tử hình, chờ quyết định ân xá rất lớn.

"Có những trường hợp mười mấy năm, có trường hợp 14-15 năm liền, sống dở chết dở. Trong số này, nhiều đối tượng rất muốn tử hình sớm, nhưng vì chờ ý kiến ở trên nên không xử lý được", ông Trung nói.

Ông Trung cho hay những đối tượng này vì tư tưởng đã bị án tử hình, không còn gì để mất, nên liên tục chống đối, phá phách... "Nếu mình quản lý không kỹ, họ thậm chí còn muốn tự tử thì có khi cán bộ của mình phải đi tù thay", ông Trung chia sẻ.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 367 Bộ luật TTHS về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành theo hướng bổ sung thời hạn Chủ tịch nước xem xét quyết định ân giảm đối với người bị kết án tử hình; bổ sung trình tự, thủ tục sau khi có quyết định hoặc không có quyết định ân giảm của Chủ tịch nước.

Đồng thời, bổ sung quy định Tòa án quyết định hoãn thi hành án tử hình trong thời hạn hai năm khi có căn cứ của pháp luật.

Chánh án TAND Tối cao được giao chủ trì, phối hợp với Viện trưởng VKSND Tối cao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành điều này.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật.

Cơ quan thẩm tra cho rằng cơ quan chủ trì soạn thảo đã quán triệt nghiêm túc kết luận của Bộ Chính trị về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thi hành án tử hình.

Tuy nhiên, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đang được trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 không quy định việc Tòa án quyết định hoãn thi hành án tử hình trong thời hạn 2 năm.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị VKSND Tối cao tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành, đồng thời bám sát việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (có nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến hình phạt tử hình) nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật .

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-truong-hop-muoi-may-nam-muon-thi-hanh-an-tu-hinh-som-ma-khong-duoc-post850780.html
Zalo