Đề xuất bãi bỏ 9/11 thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoa học, công nghệ
Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có nhiều điểm mới như: bãi bỏ 9/11 thủ tục hành chính; mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sáng 6/5, tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST).
Mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài công lập
Về cơ sở pháp lý để ban hành Luật, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, sau khi Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN)năm 2013 được ban hành, đã có nhiều đạo luật chuyên ngành lần lượt ra đời và điều chỉnh các giai đoạn khác nhau trong chu trình nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; trong đó, nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn của hoạt động KHCN&ĐMST, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy KHCN&ĐMST với tính chất là khâu đột phá phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình - Ảnh: Media.quochoi.vn
Cùng với đó, để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, định hướng của Quốc hội và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện thể chế, việc đề xuất xây dựng Luật KHCN&ĐMST là rất cần thiết...
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, quan điểm xây dựng Luật KHCN&ĐMST nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KHCN&ĐMST để phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Việc xây dựng Luật được thực hiện theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST; trong đó doanh nghiệp làm trung tâm, các đại học và viện nghiên cứu là các chủ thể hỗ trợ cùng hướng tới mục tiêu hoạt động KHCN&ĐMST phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng.
Giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm
Dự thảo Luật KHCN&ĐMST gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật KH&CN năm 2013 do bổ sung nội dung ĐMST và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.

Quang cảnh phiên làm việc sáng 6/5 - Ảnh: Media.quochoi.vn
Dự thảo Luật KHCN&ĐMST đã bám sát các nội dung chính sách tại Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 3/8/2024 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024. Đồng thời, để kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, dự thảo Luật đã bổ sung Chính sách 6 liên quan đến hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động KHCN&ĐMST. Thay đổi tư duy quản lý theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình.
Thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) cho KH&CN thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Tại Dự thảo Luật lần đầu tiên ĐMST được đưa vào và đứng ngang với KHCN. Dự thảo Luật bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động ĐMST, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm.
Luật KH&CN năm 2013 quy định 11 thủ tục hành chính, Dự thảo Luật KHCN&ĐMST đã bỏ 9/11thủ tục hành chính (đạt 81%). Do Dự thảo Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh sang lĩnh vực ĐMST nên đã bổ sung 4 thủ tục hành chính để quản lý các đối tượng mới và công nhận để tạo điều kiện cho các tổ chức được hưởng các ưu đãi của pháp luật về thuế và đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình - Ảnh: Media.quochoi.vn
Hiện tại, Dự thảo Luật quy định 6 thủ tục hành chính, cụ thể: thành lập tổ chức khoa học và công nghệ; đăng ký công nhận trung tâm nghiên cứu và phát triển; công nhận cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp công nhận tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; công nhận trung tâm đổi mới sáng tạo; tuyển chọn, xét tài trợ, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Rà soát, bổ sung quy định về tiêu chí chuyên gia, nhân tài
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản thống nhất vớiquan điểm xây dựng Luật; đề nghị bám sát hơn nữa và thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW; thể hiện rõ nét hơn vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, “chủ thuyết” phát triển trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST; có quy định mang tính đột phá, vượt trội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chú trọng chính sách kiến tạo phát triển đồng bộ với quản lý theo cơ chế phù hợp.
Về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và nền kinh tế (Chương IV dự thảo Luật), Ủy ban KHCN&MT cơ bản tán thành các quy định này và đề nghị rà soát việc gắn kết đồng bộ, thống nhất với các quy định về đầu tư, tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hệ sinh thái và phát triển thị trường KHCN&ĐMST để bảo đảm tính khả thi.
Ủy ban KHCN&MT đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về tiêu chí chuyên gia, nhân tài; quy định đầy đủ, phù hợp về quyền, nghĩa vụ nhất là tự chủ về chuyên môn, nhân sự và tài chính. Cần có quy định khuyến khích triển khai chương trình giáo dục STEM, STEAM; có chính sách thúc đẩy xây dựng văn hóa sáng tạo.