Top 10 ngân hàng cho vay nhiều nhất: BIDV dẫn đầu, SHB vượt Sacombank
Trong bảng xếp hạng 10 ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất hiện nay, BIDV tiếp tục giữ vững ngôi đầu, trong khi SHB bất ngờ vượt Sacombank với mức tăng trưởng tín dụng tới 9,2%.

Hầu hết các ngân hàng ghi nhận đà tăng trưởng tín dụng ổn định trong quý 1/2025. Ảnh minh họa
Theo báo cáo tài chính quý 1/2025 của 27 ngân hàng đã công bố (ngoại trừ Agribank), hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng so với cuối năm 2024, cho thấy tín dụng đang duy trì đà phục hồi mạnh mẽ trong nền kinh tế.
Dẫn đầu về dư nợ cho vay trong quý 1/2025 là ngân hàng BIDV, với tổng dư nợ cho vay khách hàng vượt 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2024. Đây là mức tăng ổn định, phản ánh sự duy trì vững vàng của BIDV trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân trong bối cảnh kinh tế phục hồi.
Xếp ngay sau BIDV là VietinBank, với tổng dư nợ cho vay vượt 1,8 triệu tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 4,6% - mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm Big4 ngân hàng quốc doanh. Vietcombank vẫn duy trì vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng này với dư nợ xấp xỉ 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% so với hồi đầu năm.
Ở nhóm ngân hàng cổ phần, MB tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu với dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 797.000 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm trước. Theo sau là VPBank, với mức tăng trưởng tín dụng 5,4%, đưa tổng dư nợ cho vay lên gần 730.000 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng còn lại trong Top 10 bao gồm Techcombank, ACB, SHB, Sacombank và HDBank, đều ghi nhận tín dụng tăng trưởng ổn định trong quý đầu năm 2025.
Trong đó, đáng chú ý nhất là sự vươn lên mạnh mẽ của SHB. Với mức tăng trưởng tín dụng đạt 9,2% trong quý 1/2025, SHB đã vượt qua Sacombank, chiếm lấy vị trí thứ 8 trong danh sách các ngân hàng có quy mô cho vay khách hàng lớn nhất.
Bên cạnh những ngân hàng tăng trưởng mạnh, cũng có một số ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm trong dư nợ cho vay. Cụ thể, ABBank giảm 0,7% và Saigonbank giảm 4,3%. Đây là dấu hiệu của sự thận trọng trong việc mở rộng tín dụng, có thể xuất phát từ các yếu tố nội tại như chất lượng tín dụng hoặc chiến lược phát triển bảo thủ trong bối cảnh bất ổn của nền kinh tế.
Bức tranh tín dụng quý 1/2025 không chỉ phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ mà còn cho thấy sự phân hóa giữa các ngân hàng trong việc mở rộng cho vay. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,93% tính đến hết quý 1/2025, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước.
Một số ngân hàng khác như KienlongBank, Eximbank và NCB ghi nhận mức tăng trưởng cao trong quý đầu năm, với KienlongBank dẫn đầu nhóm này với mức tăng 10,6%. Những ngân hàng này, mặc dù không nằm trong nhóm 10 ngân hàng cho vay nhiều nhất, nhưng sự tăng trưởng mạnh mẽ của họ phản ánh chiến lược tăng tốc tín dụng và nỗ lực gia tăng thị phần trong thị trường cạnh tranh.
Ngân hàng tăng tốc "bơm vốn" ngay trong quý đầu năm
Trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 16%, với kỳ vọng tạo lực đẩy mạnh mẽ cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng gia tăng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đây được xem là bước đi quan trọng trong nỗ lực hỗ trợ phục hồi kinh tế và thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, hạ tầng, công nghệ và tiêu dùng nội địa.
Kết quả tích cực ngay trong quý đầu năm đang tiếp thêm niềm tin cho các ngân hàng trong việc hoàn thành chỉ tiêu tín dụng cả năm. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 4 vừa qua, bà Ngô Thu Hà - Tổng giám đốc SHB cho biết, kết quả tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ đến từ việc SHB tập trung phát triển khách hàng chiến lược, đặc biệt ở ba phân khúc chủ lực: doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), và khách hàng bán lẻ.
Bà Hà khẳng định, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay là hoàn toàn khả thi với đà tăng hiện tại. Để đạt được mục tiêu này, SHB đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát triển các gói tín dụng phù hợp từng nhóm khách hàng, đồng thời mở rộng cho vay vào các lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích như hạ tầng, tín dụng xanh, công nghệ cao và logistics.
Không chỉ SHB, nhiều ngân hàng khác cũng thể hiện quyết tâm hoàn thành và thậm chí vượt chỉ tiêu tín dụng trong năm nay. Chủ tịch HĐQT MB - ông Lưu Trung Thái trong ĐHĐCĐ vừa qua cho biết, ngân hàng này đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng từ sớm, với kế hoạch tín dụng năm 2025 dự kiến đạt 24–25%, dựa trên hạn mức định hướng 16% được Ngân hàng Nhà nước phân bổ từ đầu năm. Đây là mức tăng trưởng tham vọng, nhưng theo ông Thái là khả thi nhờ nền tảng công nghệ mạnh mẽ và định hướng tín dụng phù hợp với bối cảnh kinh tế.
Theo lãnh đạo MB, ngân hàng hiện có 8,5% dư nợ tín dụng xanh và đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 9,5% trong vòng ba năm tới. Ngân hàng cũng đẩy mạnh tiếp cận nhóm "người yếu thế" - gồm các cá nhân, hộ kinh doanh vùng sâu vùng xa, startup siêu nhỏ thông qua nền tảng số và ứng dụng AI như App MBBank, BIZ MBBank.
Đối với nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng từ việc chậm thanh toán của EVN đối với các dự án năng lượng tái tạo (FIT1, FIT2), MB thừa nhận cũng có một vài khoản vay bị tác động, tuy nhiên ngân hàng vẫn đang đồng hành cùng khách hàng trong khó khăn. Riêng nhóm khách hàng xuất khẩu sang Mỹ - vốn bị tác động bởi mức thuế quan mới - chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng dư nợ, nên mức ảnh hưởng là không đáng kể.
Tại ĐHĐCĐ của ACB, Tổng Giám đốc Từ Tiến Phát chia sẻ góc nhìn thận trọng hơn. Ông cho biết 3 tháng đầu năm ghi nhận nhiều yếu tố tích cực như GDP tăng gần 7%, lạm phát được kiểm soát, và đầu tư nước ngoài có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, sang quý 2, thông tin Mỹ áp thuế quan đối ứng đã gây tâm lý lo ngại trên thị trường. ACB lập tức rà soát danh mục khách hàng để đánh giá ảnh hưởng. Dù vậy, ngân hàng vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 16 - 18% trong năm nay.
Ông Phát cho biết, thế mạnh của ACB là nhóm khách hàng cá nhân, nơi nhu cầu vay vốn đang phục hồi rõ rệt nhờ thị trường bất động sản khu vực phía Nam khởi sắc trở lại. Ngoài ra, phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cũng cho thấy tín hiệu tăng trưởng tích cực về nhu cầu tín dụng.