Để TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa Đông Nam Á

TP.HCM cần đi đầu trong việc số hóa sản phẩm văn hóa, trang bị năng lực công nghệ cho nghệ sĩ, mở rộng hợp tác toàn cầu.

Trải qua 50 năm, TP.HCM không chỉ khẳng định vai trò trung tâm kinh tế mà còn nổi lên như một điểm sáng về công nghiệp văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh và biểu diễn nghệ thuật.

Nhân dịp này, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhằm cùng nhìn nhận thực tế và góp phần đề xuất những giải pháp thiết thực để đưa công nghiệp văn hóa TP.HCM phát triển xứng tầm.

 PGS-TS Bùi Hoài Sơn.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn.

Đầu tàu sáng tạo của văn hóa - nghệ thuật

. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của hai lĩnh vực điện ảnh và công nghiệp biểu diễn tại TP.HCM trong những năm gần đây?

+ PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Tôi luôn dành một tình cảm đặc biệt cho TP.HCM, nơi không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn là “đầu tàu sáng tạo”. Trong những năm qua, điện ảnh TP.HCM đang dần tiệm cận với mô hình công nghiệp thực thụ, nơi câu chuyện, công nghệ và thị trường phát triển song hành.

Tôi đặc biệt trân trọng tinh thần dấn thân của giới nghệ sĩ trẻ, họ sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn để thử nghiệm những cách kể chuyện mới mẻ, kể các câu chuyện rất Việt bằng ngôn ngữ hiện đại, chứng minh rằng nghệ thuật có thể chạm đến công chúng sâu sắc nếu xuất phát từ sự chân thành.

 Màn biểu diễn kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong một concert “Chị đẹp” diễn ra tại TP.HCM hồi tháng 3-2025 được đánh giá cao. Ảnh: BTC

Màn biểu diễn kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong một concert “Chị đẹp” diễn ra tại TP.HCM hồi tháng 3-2025 được đánh giá cao. Ảnh: BTC

Cùng với điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn tại TP.HCM cũng đang trưởng thành rõ nét. Các sân khấu, lễ hội, trình diễn đa phương tiện ngày càng chuyên nghiệp, lan tỏa và kết nối được nhiều tầng lớp công chúng, từ nhà hát đến phố đi bộ, từ không gian thực đến không gian ảo.

Tôi từng nhiều lần đứng giữa biển người trong một chương trình ca nhạc cộng đồng, hay tại Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô ở TP.HCM và luôn cảm thấy một niềm vui rất đặc biệt. Đó là khoảnh khắc khi văn hóa không chỉ là điều để thưởng thức, mà trở thành chất keo kết nối giữa con người với nhau, giữa cá nhân và cộng đồng…

Theo “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm năm 2045”, đến năm 2030, nước ta có 5-10 thương hiệu quốc gia khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Đến năm 2045, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phấn đấu doanh thu đóng góp 9% GDP và thu hút 6 triệu lao động để trở thành quốc gia phát triển về công nghiệp văn hóa trong khu vực châu Á.

. So với nước bạn như Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc, công nghiệp văn hóa TP.HCM hiện tại đang ở vị trí nào, thưa ông?

+ Về tiềm năng, tôi cho rằng chúng ta không hề thua kém. Nhưng để cạnh tranh ngang tầm với Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc thì chúng ta cần quyết liệt hơn, bài bản hơn, cả về chính sách, nguồn lực và tư duy phát triển.

Lấy ví dụ với Thái Lan - quốc gia đã trở thành “trung tâm xuất khẩu nội dung” của Đông Nam Á, họ có chiến lược quốc gia rõ ràng để hỗ trợ ngành điện ảnh, có chính sách hoàn thuế hấp dẫn để thu hút các đoàn phim quốc tế, có hạ tầng hiện đại và đặc biệt là một bộ máy đồng bộ giữa Nhà nước và tư nhân.

 Các buổi concert của “Anh trai say hi” tại TP.HCM luôn thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Ảnh: BTC

Các buổi concert của “Anh trai say hi” tại TP.HCM luôn thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Ảnh: BTC

Trung Quốc thì sở hữu thị trường nội địa khổng lồ, công nghệ cao và khả năng đầu tư dồi dào, biến điện ảnh thành một “công cụ mềm” để lan tỏa văn hóa quốc gia. Hàn Quốc không chỉ đầu tư cho sản phẩm, mà còn cho cả “hệ sinh thái” - từ đạo diễn, biên kịch, kỹ thuật, truyền thông đến “đào tạo khán giả”, tức chủ động định hướng và nâng cao trình độ thưởng thức của công chúng. Còn tại Việt Nam, chúng ta vẫn đang thiếu một chiến lược quốc gia cho công nghiệp văn hóa. Mặc dù có những tác phẩm xuất sắc, những tài năng nổi bật nhưng nước ta chưa có hạ tầng đủ mạnh, chính sách hỗ trợ nhất quán, hay một hệ sinh thái sáng tạo phát triển bền vững.

Ba hướng đi trọng yếu

. Theo ông, trong thời gian tới, TP.HCM cần làm gì để công nghiệp văn hóa được nâng tầm, thực sự trở thành một động lực phát triển kinh tế - xã hội?

+ Nếu muốn nâng tầm công nghiệp văn hóa, thực sự trở thành một động lực phát triển kinh tế - xã hội, theo tôi, TP.HCM cần có ba hướng đi trọng yếu.

“Cùng với điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn tại TP.HCM cũng đang trưởng thành rõ nét.”

PGS-TS Bùi Hoài Sơn

Thứ nhất, TP.HCM cần xác lập rõ công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế chiến lược, từ đó xây dựng hệ sinh thái sáng tạo toàn diện - bao gồm sản xuất, phân phối, truyền thông, tiêu dùng và xuất khẩu sản phẩm văn hóa. Những “cụm sáng tạo” như trường đào tạo chuyên ngành điện ảnh, nghệ thuật, truyền thông; các khu sản xuất nội dung số; hay trung tâm biểu diễn - giao lưu quốc tế... không chỉ là hạ tầng kỹ thuật, mà còn là không gian nuôi dưỡng tài năng và cảm hứng nghệ thuật.

Thứ hai, TP nên tận dụng cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào văn hóa. Điều này đòi hỏi những chính sách đột phá như ưu đãi thuế, hoàn thuế phim trường, quỹ phát triển nghệ thuật độc lập, hay hỗ trợ hạ tầng sáng tạo cho các doanh nghiệp văn hóa - đặc biệt là các startup. Nhưng quan trọng hơn là tạo ra niềm tin rằng giới sáng tạo sẽ được lắng nghe, được đồng hành và được bảo vệ.

Thứ ba, cần đẩy mạnh chuyển đổi số và quốc tế hóa. TP.HCM nên đi đầu trong việc số hóa sản phẩm văn hóa, trang bị năng lực công nghệ cho nghệ sĩ, mở rộng hợp tác toàn cầu.

Cuối cùng, quan trọng nhất là phải đặt con người sáng tạo vào vị trí trung tâm. Điều này cần có chiến lược đào tạo tài năng dài hạn, không chỉ nghệ sĩ biểu diễn, đạo diễn, mà cả biên kịch, nhà sản xuất, kỹ sư ánh sáng, chuyên gia truyền thông…

Một nền công nghiệp văn hóa muốn lớn mạnh phải có đội ngũ chuyên nghiệp ở mỗi mắt xích - từ hậu đài đến ánh đèn sân khấu. Tôi tin rằng nếu TP.HCM có một tầm nhìn đủ xa, một chiến lược đủ sâu và một tinh thần hành động quyết liệt thì điện ảnh và biểu diễn nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung không chỉ phát triển rực rỡ, mà còn góp phần làm nên sức mạnh mềm của Việt Nam trong thời đại mới.

. Xin cảm ơn ông!

ThS NGUYỄN MINH HẢI, Trưởng phòng Tuyên truyền báo chí - xuất bản (Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM):

Công nghiệp văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với TP.HCM

Với vị thế trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học - công nghệ, TP.HCM có nhiều lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Sự phát triển của thị trường công nghiệp văn hóa mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với TP.HCM. Trước hết, ngành này góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế khi tạo ra nguồn thu lớn từ sản phẩm văn hóa, dịch vụ nghệ thuật, giải trí… Đồng thời, nó mở ra nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực sáng tạo như nghệ thuật, truyền thông, du lịch, quảng cáo, thiết kế và công nghệ. Việc phát triển công nghiệp văn hóa giúp quảng bá hình ảnh và thương hiệu TP.HCM ra thế giới phần định vị TP như một trung tâm văn hóa sáng tạo khu vực.

Công nghiệp văn hóa là môi trường lý tưởng để thế hệ trẻ phát triển nghề nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Các ngành như thiết kế, sản xuất phim, game, âm nhạc, truyền thông số... đang mở ra không gian lớn cho tài năng trẻ thể hiện và bứt phá.

Những giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa TP.HCM

Công nghiệp văn hóa đang nổi lên như một lĩnh vực mũi nhọn trong chiến lược phát triển của TP.HCM. Không chỉ hứa hẹn tiềm năng kinh tế lớn, lĩnh vực này còn góp phần khẳng định bản sắc đô thị, nâng cao đời sống tinh thần và tăng cường “sức hút mềm” của TP trong mắt cộng đồng quốc tế.

“Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” là hai trong những chương trình truyền hình thực tế nổi bật trong năm 2024, mang đến những trải nghiệm âm nhạc mới mẻ cho khán giả. Sau khi kết thúc thời gian phát sóng, cả hai chương trình đều đồng loạt tổ chức nhiều buổi concert tại Hà Nội và TP.HCM, đem đến những tiết mục ấn tượng cả phần nghe lẫn phần nhìn…

Đáng chú ý, các concert luôn cháy vé. Khán giả Việt sẵn sàng chi tiền mua vé để xem nghệ sĩ trong nước biểu diễn, đồng thời họ quan tâm nhiều hơn đến thị trường giải trí nước nhà. Những thành công này đem đến tín hiệu lạc quan cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Để khai thác hết tiềm năng này, TP.HCM cần một chiến lược tổng thể và những bước đi cụ thể, đồng bộ.

Trước hết, TP cần đẩy mạnh hợp tác công - tư. Khi Nhà nước đóng vai trò kiến tạo và doanh nghiệp là người triển khai, những dự án văn hóa sáng tạo có thể sớm trở thành hiện thực. Các chính sách như ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp sáng tạo sẽ giúp người trẻ yên tâm hơn khi khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành, TP.HCM cũng cần chú trọng đào tạo nhân lực sáng tạo một cách bài bản. Từ bậc phổ thông đến ĐH, cần có các chương trình đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật, thiết kế, truyền thông và công nghệ số. Không chỉ dừng lại ở giảng đường, các chương trình đào tạo nghề dành cho nghệ sĩ, kỹ thuật viên hậu kỳ, nhà thiết kế đồ họa, nhà sản xuất âm nhạc… sẽ là bệ phóng quan trọng cho nguồn nhân lực sáng tạo.

Không thể không nhắc đến sự phát triển của văn hóa số, lĩnh vực đang mở ra biên giới mới cho công nghiệp văn hóa. TP.HCM cần có chiến lược rõ ràng để hỗ trợ sản xuất và phân phối các nội dung số như phim trực tuyến, podcast, sách điện tử, trò chơi sáng tạo, âm nhạc nền tảng… Đây là mảnh đất màu mỡ để phát huy tài năng trẻ và mở rộng thị trường văn hóa vươn tầm quốc tế.

Cuối cùng, TP.HCM cần tăng cường các chiến dịch quảng bá văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc và các di sản văn hóa đặc sắc của TP. Các chương trình như lễ hội văn hóa, triển lãm nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật truyền thống và hiện đại có thể là cách để giới thiệu TP.HCM đến với du khách quốc tế, đồng thời tạo ra cơ hội hợp tác với các nghệ sĩ quốc tế, nâng cao giá trị thương hiệu cho thành phố.

LÊ DUYÊN

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-tphcm-tro-thanh-trung-tam-cong-nghiep-van-hoa-dong-nam-a-post848265.html
Zalo