Để thương hiệu thời trang Việt không thất thế trên 'sân nhà'

Câu chuyện một số thương hiệu bán lẻ thời trang Việt rời 'cuộc chơi' hoặc co hẹp hoạt động đang cho thấy sự đuối sức của họ cũng như mối nguy thất thế trên 'sân nhà' từ đối thủ ngoại và hàng nhập giá rẻ. Lối ra cho khối nội trong ngành hàng này là cần hợp tác chặt chẽ với người mua, đáp ứng chuyển đổi nhu cầu và có chiến lược bán lẻ đa kênh tích hợp công nghệ nhằm trở lại mạnh mẽ hơn.

Nếu nhìn vào sự rút lui khỏi thị trường của các chuỗi bán lẻ thời trang nội địa như Lep', Catsa, Elpis…trong vài tháng trở lại đây, sẽ thấy quy luật đào thải là khó tránh khỏi trên thị trường thời trang Việt đầy cạnh tranh khốc liệt với hơn 2.000 doanh nghiệp (DN) lớn nhỏ.

“Mồi ngon” cho đối thủ ngoại?

Xét về dung lượng thị trường bán lẻ thời trang Việt Nam hiện nay vào khoảng 4 tỷ USD/năm, và được dự đoán có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến khoảng 10% trong giai đoạn 2024-2028.

Như vậy, trong 4 năm tới thị trường thời trang Việt có thể đạt mức 6,5 tỷ USD. Đó là nhờ vào sự gia tăng chi tiêu cho các sản phẩm thời trang khi thói quen tiêu dùng có sự thay đổi, cùng với sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu.

Lối ra cho các nhà bán lẻ thời trang nội địa là cần hợp tác chặt chẽ với người mua, đáp ứng chuyển đổi nhu cầu và có chiến lược bán lẻ đa kênh tích hợp công nghệ.

Lối ra cho các nhà bán lẻ thời trang nội địa là cần hợp tác chặt chẽ với người mua, đáp ứng chuyển đổi nhu cầu và có chiến lược bán lẻ đa kênh tích hợp công nghệ.

Với triển vọng như thế nên khối ngoại với tiềm lực mạnh sẽ không bỏ qua “mồi ngon” này để mở rộng thị phần bán lẻ thời trang ở Việt Nam. Đơn cử như nhà bán lẻ thời trang của Nhật Bản là Uniqlo trong tháng 11/2024 đã khai trương cửa hàng thứ 26 của họ tại Tp.HCM và dự tính cuối năm nay sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng tại tỉnh Đồng Nai.

Trong khi đó, tại nhiều cửa hàng bán lẻ thời trang hay chợ truyền thống, như ở Tp.HCM, đang có tình trạng chung là trưng bày phần lớn quần áo thời trang Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, giá mềm nên thu hút người mua rất nhiều. Chưa kể, quần áo Trung Quốc giá rẻ cũng đang tràn lan qua các kênh bán hàng trực tuyến ở Việt Nam.

Ngoài ra, xét về một trong những xu hướng chính của thị trường thời trang ở Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2028, giới phân tích chỉ rõ thương mại điện tử (TMĐT) sẽ tiếp tục bùng nổ, đặc biệt sau những tác động từ đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến.

Hiện nay các nền tảng TMĐT lớn trong nước đang tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm thời trang từ khắp nơi trên thế giới. Điều đó càng làm cho chuỗi thương hiệu bán lẻ thời trang của khối nội càng gặp thách thức khi bán hàng qua kênh ngoại tuyến (offline).

Cho nên, vấn đề đặt ra cho khối nội trong ngành hàng bán lẻ thời trang là nên có lối ra như thế nào để trụ vững giữa mối nguy thất thế trên “sân nhà”?

Đó là chưa kể hành vi tiêu dùng của người Việt Nam trong ngành bán lẻ thời trang đang có sự thay đổi đáng kể. Đối tượng khách hàng chính của thị trường bao gồm giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Millennials và Gen Z, những người có xu hướng cập nhật xu hướng thời trang toàn cầu và ưa chuộng sự mới lạ. Họ có xu hướng tiêu dùng thông minh, thường xuyên so sánh giá cả và chất lượng sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Điều đó khiến cho khối thời trang nội địa tăng thêm áp lực để thu hút nhóm khách hàng chủ lực này.

Để các DN Việt trong ngành bán lẻ thời trang có thể trụ vững trên “sân nhà” và trở lại mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới, Phó giáo sư Rajkishore Nayak, chuyên gia về truyền thông và thiết kế, cho rằng họ nên hợp tác chặt chẽ với người mua để hiểu và đáp ứng chuyển đổi nhu cầu đang diễn ra trên thị trường thông qua các nền tảng kỹ thuật số đa dạng.

Chờ trở lại mạnh mẽ với chiến lược đa kênh

Theo ông Nayak, tất cả các nhà bán lẻ thời trang hoạt động tại thị trường địa phương sẽ cần tập trung vào hoạt động đa kênh, nơi TMĐT và cửa hàng bán lẻ bổ trợ cho nhau. Các nhà sản xuất và bán lẻ nên sử dụng đa kênh để phân phối hàng bán lẻ (bán hàng trực tiếp cũng như trực tuyến).

Trong tương lai, các nhà bán lẻ thời trang trong nước nên triển khai mạnh mẽ hơn nữa với chiến lược bán lẻ đa kênh tích hợp các kênh truyền thống và kỹ thuật số để mang lại trải nghiệm mua sắm liền mạch cho khách hàng.

Theo đó, họ nên nghiên cứu trải nghiệm khách hàng trên tất cả các kênh và điểm chạm, đồng thời xây dựng chiến lược marketing mang lại trải nghiệm khác biệt cho khách hàng. Các nhà bán lẻ thời trang cần thể hiện tính linh hoạt và nắm bắt các công nghệ mới nổi để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng.

Đơn cử xu hướng mua sắm thời trang mới nhất gần đây là là showrooming (tìm kiếm tại cửa hàng thực tế rồi mua trực tuyến) và webrooming (tìm kiếm trực tuyến rồi mua tại cửa hàng thực tế). Vì thế, các DN của khối nội trong ngành bán lẻ thời trang cần kết hợp liền mạch giữa cửa hàng bán lẻ thực tế, TMĐT và hành trình của khách hàng trên thiết bị di động. Sự pha trộn giữa thực tế và kỹ thuật số sẽ tạo ra trải nghiệm khách hàng toàn diện và chân thực hơn.

Đối với các nhà bán lẻ thời trang nội địa, theo ông Nayak, một trọng tâm chính khác là tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường và tránh thừa hàng tồn kho. Họ nên đặt mua sản phẩm ở thời điểm gần đến mùa tiêu thụ. Hoạt động thu mua nên được thực hiện với số lượng tương đối và đặc biệt là nên lấy nguồn hàng từ các nhà cung cấp ở gần.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia lưu ý mối quan hệ giữa người mua và nhà bán lẻ thời trang nội địa cần được tăng cường thông qua giao tiếp hiệu quả để nhu cầu của người tiêu dùng được đáp ứng một cách thích hợp. Và đây cũng là thời điểm để họ nhìn lại hoạt động, thiết kế lại chuỗi cung ứng, tìm kiếm các sản phẩm phù hợp trong tương lai và đầu tư vào nhu cầu của ngày mai.

Hơn thế nữa, khi nhận thức của người tiêu dùng về tính bền vững ngày càng tăng, các nhà bán lẻ thời trang nội địa nên xem marketing xanh là một công cụ quan trọng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh với khối ngoại.

Như chia sẻ của Ts. Carol Tan (Đại học RMIT), các thương hiệu thời trang Việt cần minh bạch hơn về chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất của mình, cho phép người tiêu dùng đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn. Họ có thể dựa vào dữ liệu để dự đoán nhu cầu tốt hơn.

Theo Ts. Carol Tan, các DN nên cải thiện nguồn nguyên liệu và chuyển sang các nguyên liệu bền vững hơn, nhất là cần áp dụng các thông lệ kinh doanh tuần hoàn, bao gồm thiết kế các sản phẩm có tuổi thọ cao và thiết lập các hệ thống để sửa chữa, bán lại và tái chế mặt hàng thời trang. Họ cũng có thể có nhiều lợi ích to lớn từ việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tìm ra những cách sản xuất quần áo mới và bền vững hơn.

Song song với đó, các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước là rất quan trọng. Điều này nhằm thúc đẩy các DN thời trang nội địa ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng sản phẩm, cũng như chủ động hơn trong việc đầu tư vào các dòng sản phẩm đa dạng theo nhu cầu.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/de-thuong-hieu-thoi-trang-viet-khong-that-the-tren-san-nha-1103774.html
Zalo