Tài chính xanh sẽ trở thành thị trường hấp dẫn
Tài chính xanh đang dần trở nên hấp dẫn với những quy định, chính sách sắp được ban hành cũng như nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.
Khung pháp lý đang dần được hoàn thiện cùng những nỗ lực của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức trong chuyển đổi xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn là lý do TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, khẳng định Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng tài chính xanh toàn cầu.
Ông Bình thông tin, thị trường tài chính xanh bao gồm ba cấu phần là tín dụng xanh, trái phiếu xanh và cổ phiếu xanh. Trong đó, thị trường tín dụng xanh tại Việt Nam đang có những bước chuyển mạnh mẽ, từ khi chỉ có năm tổ chức tín dụng tham gia vào năm 2017, đến nay đã có khoảng 50 tổ chức tín dụng tham gia, phát sinh khoảng 650 nghìn tỷ đồng dư nợ.
“Các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang dần quan tâm đến thị trường tín dụng xanh”, ông Bình cho biết tại tại hội thảo Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh - hướng tới mục tiêu net zero tại Việt Nam do VnEconomy tổ chức.
Bên cạnh đó, công cụ trái phiếu xanh cũng có sự phát triển. Giai đoạn 2019 – 2023, Việt Nam phát hành khoảng gần 1,2 tỷ USD trái phiếu xanh. Giai đoạn 2018 – 2022, có tổng cộng 18 đợt phát hành trái phiếu xanh, trong đó phần lớn tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, xử lý chất thải và nông nghiệp xanh.
Một số địa phương như TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành kế hoạch, chiến lược kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cũng đang thực hiện những bước đầu phát hành trái phiếu chính quyền xanh.
Trong khi đó, cổ phiếu xanh đang được một số doanh nghiệp tiên phong phát hành gắn với thực hành ESG (phát triển bền vững theo tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị). Theo ông Bình, cổ phiếu xanh có thể được phát hành bởi doanh nghiệp có giải pháp bền vững đến từ nhiều lĩnh vực, mở ra cơ hội tài chính cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn không ít thách thức trong việc phát triển tài chính xanh tại Việt Nam, đặc biệt phải kể đến tính thanh khoản thấp, xuất phát từ nhận thức còn hạn chế và sự quan tâm chưa đầy đủ của nhà đầu tư.
Nguồn cung tài chính xanh còn hạn chế do chưa nhiều tổ chức tham gia phát hành. Do đó, giai đoạn vừa qua, thị trường tài chính xanh chủ yếu phát triển nhờ vào định hướng chứ không phải đến từ động lực thị trường.
Mặt khác, các quy định về danh mục, phân loại ngành, lĩnh vực, dự án xanh chưa được ban hành cũng là thách thức lớn đối với tài chính xanh.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Phương Nam, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn dịch vụ đổi mới khí hậu (Klinova), cho biết, Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống chuẩn mực để các ngân hàng áp dụng khi xem xét cấp tài chính xanh.
Sự thiếu thống nhất này gây ra sự lúng túng cho cả doanh nghiệp và ngân hàng, tổ chức tín dụng, làm tăng chi phí giao dịch không đáng có.
Giải quyết những thách thức, bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc, Giám đốc cho thuê thương mại, Công ty dịch vụ bất động sản Cushman&Wakefield Việt Nam, đưa ra ba giải pháp.
Thứ nhất, nhanh chóng ban hành bộ tiêu chí xanh quốc gia để tạo cơ sở cho ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà đầu tư nhận biết các dự án xanh, từ đó lên kế hoạch cấp vốn.
Thứ hai, tăng cường hỗ trợ thông qua những ưu đãi như giảm lãi suất, thành lập quỹ hỗ trợ. Cuối cùng, phát triển thị trường tín chỉ carbon và thị trường trái phiếu xanh, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp.
Còn theo ông Nam, bên cạnh thị trường tài chính xanh trong nước, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn xanh từ thế giới, tuy nhiên phải nỗ lực chuẩn hóa, nâng cao năng lực để đáp ứng tiêu chuẩn của các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế.