Để thu hút FDI vào công nghệ cao trong kỷ nguyên vươn mình
Phát triển công nghệ AI là lĩnh vực mới, có nhiều triển vọng và Việt Nam đang có cơ hội là quốc gia đi đầu trong phát triển AI tại châu Á.
Là tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn, NVIDIA hiện có hơn 28.000 kỹ sư và sở hữu hệ sinh thái rộng lớn gồm gần 100 doanh nghiệp (DN) về AI, hợp tác với 36 trường ĐH lớn trên toàn cầu. Vì vậy, việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam (VN) và Tập đoàn NVIDIA mới đây được đánh giá là một sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử.
Từ sự kiện NVIDIA đầu tư mạnh vào VN, nhiều chuyên gia kinh tế nói đến những việc VN cần phải làm để thu hút hơn nữa được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, đến VN.
Tập trung nâng cấp kỹ năng cho lực lượng lao động
Trong năm 2024, dù đối diện với nhiều thách thức như căng thẳng địa chính trị toàn cầu cũng như các yếu tố dễ gây tổn thương như biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên nhưng kinh tế VN vẫn tăng trưởng cao nhất trong tất cả nền kinh tế Đông Á nhờ vào sự phục hồi của xuất khẩu và sự phục hồi dần dần của nhu cầu nội địa. Triển vọng tăng trưởng kinh tế VN vẫn rất tích cực trong năm 2025.
Đáng chú ý, năng lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài của VN hiện vẫn rất tốt. Lý do của điều này là bởi VN mang đến sự ổn định cần thiết cho nhà đầu tư (NĐT) và giới chức địa phương cũng rất quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vị trí chiến lược của VN trong vai trò “đất nước kết nối” giữa hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ.
Để có thể tăng cường năng lực cạnh tranh thu hút vốn FDI, đặc biệt FDI vào công nghệ cao, VN có thể tập trung vào việc nâng cấp kỹ năng cho lực lượng lao động; tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông cũng như hệ thống cung cấp năng lượng, trong đó đặc biệt cần có năng lượng sạch.
Năng lượng sạch là rất cần thiết để giảm hàm lượng phát thải carbon trong các sản phẩm xuất khẩu của VN. Đồng thời, VN cần tham gia mạnh mẽ hơn vào các thỏa thuận thương mại đã ký kết để giảm đi rào cản chính sách thuế quan với thương mại và đầu tư.
Để có thể tiếp tục lên những nấc thang thu nhập cao hơn và có thể trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, VN cần phải phát triển lên những cấp độ cao hơn trong chuỗi giá trị; dịch chuyển sang nền sản xuất, dịch vụ có giá trị gia tăng cao thông qua nâng cấp công nghệ, kỹ năng và đổi mới.
Củng cố thêm niềm tin của các NĐT
Nhìn lại năm 2024, động lực tăng trưởng kinh tế của VN tương đối mạnh mẽ với sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực bao gồm xuất nhập khẩu, bán lẻ, bất động sản, du lịch, xây dựng và sản xuất. Sự phục hồi thương mại và hoạt động kinh doanh gia tăng cùng đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025 và xa hơn nữa.
VN đang ở vị thế thuận lợi để nắm giữ thị phần đang ngày càng tăng trong sản xuất và xuất khẩu toàn cầu, nhờ hội nhập tốt với thương mại quốc tế sau khi ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Cán cân thanh toán (BoP) của VN chủ yếu được thúc đẩy bởi thương mại hàng hóa và FDI; hiệu suất của khu vực kinh tế đối ngoại vẫn tương đối vững chắc.
Sự rõ ràng trong triển vọng chính sách sẽ củng cố thêm niềm tin của các NĐT tại VN. Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong trung hạn, VN sẽ cần tăng cường các phương án ứng phó với thiên tai, đa dạng hóa nền kinh tế ngoài sản xuất và tìm kiếm thêm nguồn FDI khác ngoài châu Á.
Chính sách tỉ giá cũng là một yếu tố cần phải quan tâm. Chúng tôi cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước VN sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý II-2025. Sự kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ Chính phủ đang hỗ trợ cho mức lãi suất thấp trong hiện tại. Lạm phát có thể tăng trở lại bắt đầu từ quý II-2025, do đó kỳ vọng lãi suất sẽ trở lại bình thường trong quý II này.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa nguồn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh sẽ đóng vai trò quan trọng giúp VN phát huy tiềm năng cũng như đẩy nhanh phát triển kinh tế, thu hút dòng vốn FDI vào năm 2025.
Những tín hiệu tốt về hạ tầng
Nhân lực giữ vị trí vô cùng quan trọng, chính vì vậy việc cần làm đầu tiên là nâng cao trình độ lao động. Đây là một trong những động lực chính để thu hút FDI công nghệ cao.
Người lao động cần được trang bị kiến thức, kỹ năng về AI và công nghệ bán dẫn khi VN đón nhiều NĐT chất lượng cao hơn. Điều này cũng sẽ giúp VN nâng cao chuỗi giá trị của mình. Chính phủ có một số kế hoạch để giải quyết vấn đề này, tôi thực sự vui mừng và mong chờ để thấy nhiều kết quả khả quan sớm.
Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ hỗ trợ DN tiết kiệm chi phí và thời gian. Các quy định và chỉ đạo rõ ràng hơn có thể giúp các NĐT dễ dàng xây dựng chiến lược và kế hoạch hoạt động của mình.
Một yếu tố khác là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các kết nối đến các trung tâm kinh tế trọng điểm trong nước. Ngoài tuyến metro đầu tiên của TP.HCM vừa đi vào hoạt động, chúng tôi thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong kế hoạch xây dựng hệ thống đường cao tốc tại ĐBSCL và kế hoạch đầu tư cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã được phê duyệt.
Đó là những tín hiệu tốt về phát triển cơ sở hạ tầng và nếu tiếp tục đà tăng trưởng này, VN sẽ sớm thấy sự khích lệ lớn cho dòng vốn FDI vào VN trong thời gian tới.•