Đề thi học sinh giỏi quốc gia Ngữ văn: Trừu tượng, gây khó thí sinh?
Đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận về chủ đề: 'Lắng nghe sự thinh lặng'. Giáo viên dạy Ngữ văn cho rằng, đây là khái niệm trừu tượng, thách thức không nhỏ đối với thí sinh.
Sáng nay (25/12), thí sinh thi viết các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tin học.
Đề thi môn Ngữ văn gồm hai phần: Nghị luận xã hội (8 điểm) và Nghị luận văn học (12 điểm). Thí sinh làm bài trong thời gian 180 phút.
Trong đó, phần Nghị luận xã hội đề cho đoạn trích của James Lovelock: “Trái đất dường như là một thực thể sống: không phải như cách người xưa nhìn nàng – một Nữ thần đa cảm, có mục đích và tầm nhìn - mà là như một cái cây. Một cái cây vốn tồn tại thầm lặng, chẳng bao giờ dịch chuyển trừ phi đung đưa theo gió, nhưng vẫn luôn trò chuyện không ngừng với ánh nắng và đất đai. Cây sử dụng ánh nắng, nước, khoáng chất dinh dưỡng để lớn lên và thay đổi. Song, tất cả sự thay đổi đó lặng lẽ tới mức, với tôi, cây sồi già trong sân trông vẫn như khi tôi nhìn thấy nó thuở ấu thơ”.
Từ đoạn trích, đề yêu cầu thí sinh viết bài văn nghị luận về chủ đề “Lắng nghe sự thinh lặng”. Câu này chiếm 8 điểm.
Ở phần Nghị luận văn học, đề yêu cầu thí sinh bàn luận về ý kiến: “Người nghệ sĩ tôi luyện bản thân trong mối tương quan liên tục giữa mình với người khác, tại quãng đường giữa cái đẹp không thể bỏ qua và cộng đồng không thể tách khỏi”.
Theo thầy Nguyễn Mạnh H., giáo viên dạy Ngữ văn ở trường THPT tại Hà Nội, đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn năm nay đã thể hiện sự đầu tư và sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung, đồng thời hướng dẫn việc đánh giá toàn diện năng lực tư duy, cảm nhận văn học và kỹ năng viết của học sinh.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nổi bật, đề thi cũng tồn tại hạn chế và khó khăn nhất định cho thí sinh.
Về ưu điểm, đề thi có cấu trúc hợp lý với hai phần rõ ràng: Nghị luận xã hội (8 điểm) và Nghị luận văn học (12 điểm). Điều này đảm bảo tính toàn diện trong việc đánh giá năng lực của những em học sinh có tố chất văn chương, vẫn thể hiện sự hợp lý với khung đánh giá học sinh giỏi của môn Ngữ văn.
Câu luận luận xã hội với chủ đề “trạng thái nội tâm” khai thác một khía cạnh độc đáo trong tâm hồn, đòi hỏi học sinh không chỉ hiểu biết xã hội mà còn có khả năng cảm nhận sâu sắc về giá trị của sự tĩnh lặng trong đời sống.
Câu nghị luận văn học liên quan đến tư tưởng của Albert Camus về mối quan hệ giữa người nghệ sĩ và cộng đồng. Đây là một chủ đề mang tính thời sự và giàu tính nhân văn, giúp học sinh có khả năng tư duy về vai trò của cái đẹp và sự sáng tạo trong văn chương. Với chủ đề mang tính nhân văn và tư duy sâu sắc, thí sinh thuận lợi thể hiện năng lực, tư duy văn chương.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của giáo viên này, đề thi vẫn còn những hạn chế nhất định. Đầu tiên phải kể đến là đề sử dụng ngôn ngữ và cách diễn đạt phức tạp. Đặc biệt ở câu Nghị luận xã hội, việc sử dụng khái niệm “thinh lặng” có thể gây khó khăn cho nhiều học sinh.
Đây là một khái niệm trừu tượng, không phổ biến trong ngôn ngữ hằng ngày. Điều này đòi hỏi khả năng tư duy cao, có thể dẫn đến nguy cơ học sinh không hiểu rõ yêu cầu để phát triển bài viết.
“Mặc dù chủ đề “tĩnh lặng trong tâm hồn” rất có ý nghĩa và sâu sắc, nhưng lại không gần gũi với nhận thức chung của học sinh. Đặc biệt, ở nơi điều kiện học tập chưa đồng đều, học sinh có thể thiếu kỹ năng và vốn sống để phân tích được ý nghĩa sâu sắc của chủ đề này. Bên cạnh đó, phần dẫn luận cũng nhiều dữ liệu dẫn đến khả năng xử lí vấn đề của học sinh không bao quát được hết”, thầy H. nói.
Cũng theo giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn, chủ đề về vai trò của người nghệ sĩ và mối liên hệ giữa nghệ thuật với cộng đồng là một đề tài có tính học thuật cao. "Tuy nhiên, học sinh phải thực sự hiểu được ý tưởng của Albert Camus và có kiến thức văn học phong phú mới có thể phát triển bài viết sâu sắc, tránh việc dừng lại ở phân tích chung chung, sơ sài", thầy giáo nói.
Ngày 24/12, Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia Trung học Phổ thông năm học 2024-2025 chính thức khai mạc tại 68 Hội đồng coi thi trên cả nước, với 6.482 thí sinh đăng ký dự thi, tăng 663 thí sinh so với năm học 2023-2024. Kỳ thi năm nay gồm 13 môn thi: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật. Trong đó, đây là năm đầu tiên môn Tiếng Nhật được tổ chức.