Để quân nhân yên tâm hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc

Là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang, xuất phát từ thực tế địa phương, phần lớn thanh niên lên đường nhập ngũ của huyện Mèo Vạc chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn. Để các quân nhân yên tâm thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc, huyện Mèo Vạc đã có nhiều cách làm hay, giúp đỡ các gia đình quân nhân tại ngũ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Theo chân các đồng chí cán bộ, lãnh đạo Đảng ủy xã và Ban CHQS xã Pả Vi, chúng tôi đến thăm gia đình quân nhân Giàng Mí Phùa, dân tộc Mông ở thôn Há Súng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc. Sau gần 30 phút đi xe máy, vượt qua con đường ngoằn ngoèo, với những dốc núi thẳng đứng, bên dưới là vực sâu hun hút, hiện ra trước mắt chúng tôi là ngôi nhà gỗ đơn sơ, nơi sinh sống của mẹ đẻ và vợ con của quân nhân Giàng Mí Phùa.

Đứng chờ ở cổng nhà khoảng 10 phút thì bóng dáng một người phụ nữ trẻ trên tay bồng đứa con nhỏ chưa đầy một tuổi, sau lưng đang địu bó cỏ xuất hiện. Nhìn thấy chúng tôi chị nhoẻn miệng cười với câu chào: “Các anh chị đến lâu chưa, em vừa tranh thủ đi cắt cỏ cho đàn bò”. Ngay sau đó, chị Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã nhanh tay đón đứa con nhỏ trên tay chị Lầu Thị Pà (vợ quân nhân Giàng Mí Phùa), còn đồng chí Vừ Mí Tủa, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã cũng nhanh chóng đỡ giúp bó cỏ trên lưng.

Đồng chí Lê Văn Quý (ngoài cùng bên trái), Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cùng Ban CHQS xã đến thăm hỏi, động viên gia đình quân nhân Giàng Mí Phùa, thôn Há Súng.

Đồng chí Lê Văn Quý (ngoài cùng bên trái), Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cùng Ban CHQS xã đến thăm hỏi, động viên gia đình quân nhân Giàng Mí Phùa, thôn Há Súng.

Đồng chí Vừ Mí Tủa, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Pả Vi cho biết: “Quân nhân Giàng Mí Phùa nhập ngũ tháng 2-2024, sau 3 tháng học tập, rèn luyện tại Trung đoàn 877 (Bộ CHQS tỉnh Hà Giang) nhờ gương mẫu, rèn luyện tốt, Phùa trở thành chiến sĩ tiêu biểu của đơn vị. Đến tháng 6-2024, Phùa được cử đi học Tiểu đội trưởng và hiện đang học tập, rèn luyện tại Tiểu đoàn 2, Trường Quân sự Quân khu 2 (Vĩnh Phúc)”.

Chị Lầu Thị Pà chia sẻ: “Đầu năm khi chồng chuẩn bị lên đường nhập ngũ cả 2 vợ chồng đều lo lắng, vì nhà nghèo, còn nhiều khó khăn, chồng lại là lao động chính. Đặc biệt lúc đó em đang mang bầu, nhưng vì nghĩa vụ, trách nhiệm và cũng là vinh dự khi được phục vụ Tổ quốc nên 2 vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng”.

Để quân nhân Phùa cũng như các quân nhân khác yên tâm thực hiện nghĩa vụ quân sự, lãnh đạo Đảng ủy xã Pả Vi đã phân công các ngành, đoàn thể xã quan tâm sâu sát đến các gia đình, điển hình như trường hợp gia đình chị Pà; trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ xã thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, hỗ trợ khi chị Pà sinh con; Ban CHQS xã huy động lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ, giúp đỡ gia đình thu hoạch ngô, sửa chữa nhà…

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Pả Vi đến thăm, kiểm tra đàn bò của chị Lầu Thị Pà, hội viên phụ nữ thôn Há Súng (vợ quân nhân Giàng Mí Phùa).

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Pả Vi đến thăm, kiểm tra đàn bò của chị Lầu Thị Pà, hội viên phụ nữ thôn Há Súng (vợ quân nhân Giàng Mí Phùa).

Đồng chí Lê Văn Quý, Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi cho biết: “Để các quân nhân yên tâm thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc, cũng như thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, ngoài ưu tiên các nguồn lực đầu tư của Chính phủ, tỉnh cho các gia đình này, Đảng ủy xã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhà hảo tâm hỗ trợ các phần quà, sách, vở cho con em học tập; cây con giống để phát triển kinh tế... Đặc biệt, vừa qua chúng tôi đã phối hợp với Đảng ủy, UBND phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội hỗ trợ hơn 150 triệu đồng cho người dân; trong đó có hỗ trợ tiền mua bò giống cho gia đình quân nhân Giàng Mí Phùa”.

Chỉ tay về phía con bê mới sinh, chị Pà vui mừng nói: “Từ số tiền 10 triệu đồng được hỗ trợ, gia đình em góp thêm ít tiền để mua con bò sinh sản; sau thời gian chăm sóc, bò mẹ đã sinh thêm một bê con. Gia đình rất biết ơn chính quyền địa phương đã luôn quan tâm hỗ trợ. Mặc dù, giờ chồng không ở nhà, nhưng bản thân sẽ luôn cố gắng chăm sóc tốt con cái, mẹ già và chăm lo phát triển kinh tế gia đình, để chồng yên tâm phục vụ Tổ quốc”.

Chị Lầu Thị Pà (vợ quân nhân Giàng Mí Phùa) đang chăm sóc đàn bò của gia đình.

Chị Lầu Thị Pà (vợ quân nhân Giàng Mí Phùa) đang chăm sóc đàn bò của gia đình.

Rời xã Pả Vi, chúng tôi đến thăm gia đình quân nhân Mua Mí Lình ở thôn Tà Làng, xã Pải Lủng. Được biết Mua Mí Lình, sinh năm 2005 là thanh niên tự nguyện viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ tháng 2-2024 của xã Pải Lủng. Lình là con trai thứ 2 trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ chết sớm, bố đã già yếu, sống trong căn nhà tạm, dột nát mà chưa có điều kiện xây mới. Nhằm động viên Lình trước ngày nhập ngũ cũng như chia sẻ những khó khăn với gia đình, Bí thư Đảng ủy xã Pải Lủng Lý Văn Đông đã viết thư kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí để hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới tặng gia đình Lình.

Niềm vui vẫn luôn hiện hữu trên khuôn mặt của ông Mua Mí Nô (bố đẻ của quân nhân Mua Mí Lình) khi được ở trong ngôi nhà mới, kiên cố. Ông Nô vui mừng chia sẻ: “Gia đình phấn khởi lắm các anh chị. Chúng tôi biết ơn Bí thư Đông, chính quyền địa phương và bà con, láng giềng quan tâm giúp đỡ gia đình. Đây là động lực to lớn để gia đình vượt qua khó khăn trong cuộc sống và cháu Lình cũng yên tâm phục vụ Tổ quốc”.

Theo đồng chí Lý Văn Đông, Bí thư Đảng ủy xã Pải Lủng, sau khi vận động, kêu gọi hỗ trợ từ các nhà hảo tâm thì ngôi nhà rộng gần 60m2 với tổng kinh phí xây dựng hơn 80 triệu đồng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng sau 2 tháng thi công. Ngoài ra, gia đình còn được tặng thêm giường, chăn, chiếu, bàn ghế, gạo…

Không chỉ quan tâm hỗ trợ cây con giống để phát triển kinh tế, hỗ trợ xây dựng nhà ở mới, kiên cố…, những hình ảnh cán bộ, lãnh đạo xã và những chiến sĩ “sao vuông” lội xuống ruộng giúp các gia đình có quân nhân đang tại ngũ, gia đình chính sách gặt lúa hay lên nương giúp thu hoạch ngô đã quá đỗi quen thuộc với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao biên giới Mèo Vạc.

Dân quân tự vệ huyện Mèo Vạc (Hà Giang) giúp hộ gia đình có con đang tại ngũ thu hoạch lúa.

Dân quân tự vệ huyện Mèo Vạc (Hà Giang) giúp hộ gia đình có con đang tại ngũ thu hoạch lúa.

Đồng chí Nguyễn Huy Sắc, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc khẳng định: “Việc thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội không chỉ góp phần động viên, nâng cao đời sống cho các gia đình có quân nhân đang tại ngũ mà còn là động lực to lớn, kịp thời động viên quân nhân thêm yên tâm công tác, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Đồng thời, có tác động lớn, làm chuyển biến rõ nét đến công tác tuyên truyền, tuyển gọi quân nhân nhập ngũ hằng năm trên địa bàn. Mấy năm trở lại đây, số thanh niên viết đơn tình nguyện hằng năm của huyện đều đạt 98-100%”.

Thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm, vinh dự của mỗi thanh niên; thực hiện tốt công tác hậu phương Quân đội là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Một mùa tuyển quân nữa lại đến, tin tưởng rằng huyện vùng cao biên giới Mèo Vạc sẽ tiếp tục hoàn thành tốt chỉ tiêu giao quân, đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối.

Bài, ảnh: HÀ LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/de-quan-nhan-yen-tam-hoan-thanh-nghia-vu-voi-to-quoc-804315
Zalo