Phát triển văn hóa đọc trong đời sống hiện đại

Sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của mạng xã hội và các hình thức giải trí đã làm thay đổi thói quen đọc sách của nhiều người. Từ đó, đặt ra vấn đề về xây dựng, thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là đối với thanh, thiếu niên.

Hình thành thói quen đọc sách ở mỗi người luôn cần thời gian và phải có sự định hướng của gia đình, nhà trường

Hình thành thói quen đọc sách ở mỗi người luôn cần thời gian và phải có sự định hướng của gia đình, nhà trường

Nhiều năm trở lại đây, Internet tạo ra thay đổi mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, phương tiện nghe, nhìn có lợi thế, phù hợp, thuận tiện hơn so với việc đọc sách, báo giấy. Tuy nhiên, đọc sách theo cách truyền thống vẫn mang nét văn hóa và giá trị kiến thức riêng nó. Sự hấp dẫn, thu hút của quyển sách nằm ở nội dung tư tưởng, kiến thức nó chứa đựng bên trong. Điều này là yếu tố quyết định vị thế của sách trước phương tiện nghe, nhìn khác.

Hiện nay, ở nơi công cộng, hiếm khi nhìn thấy hình ảnh người cầm sách chăm chú đọc. Thay vào đó là việc không rời mắt khỏi chiếc điện thoại thường trực trên tay. Việc hình thành thói quen đọc sách ở mỗi người luôn cần thời gian, phải có sự định hướng của gia đình, nhà trường ngay từ khi còn bé. Chị Lê Hoàng Kim Ngân (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) có thói quen hàng tuần đưa con gái 7 tuổi đi nhà sách. Đối với chị, đây không chỉ là hoạt động giải trí dành cho con, mà còn tập cho con thói quen, niềm yêu thích sách.

Chị Ngân chia sẻ: “Tôi thích đọc sách nên muốn con mình cũng yêu sách. Khi bé được 3 tuổi, tôi mua những quyển sách có hình ảnh dễ thương cho bé xem; lớn hơn một chút xem sách thiếu nhi, câu chuyện mang tính giáo dục. Dần dần, con gái tôi cũng thích sách. Tôi cho rằng, đọc sách giúp bé có thêm kiến thức, hình thành tư duy tốt, biết nhìn nhận phân tích vấn đề đúng sai, đồng thời tách chúng ra khỏi chiếc điện thoại và trò chơi vô bổ từ mạng xã hội”.

Nguyễn Thị Thanh Tâm đang làm việc tại một doanh nghiệp ở TP. Long Xuyên. Chị chia sẻ: “Đọc sách là cách bổ sung kiến thức cho bản thân tôi. Hiện nay, thông qua nhiều nguồn thông tin, tài liệu trên Internet, mỗi người có thể cập nhật kiến thức cho mình. Tuy nhiên, tôi nhận thấy kiến thức từ sách vẫn chuyên sâu hơn, bởi nội dung được biên soạn, xuất bản chỉn chu. Điều đặc biệt, khi quen với việc đọc sách và tìm thấy cái hay do sách mang lại, chúng ta sẽ cảm giác “nghiện sách”. Hôm nào không có thời gian đọc vài trang sách, tôi thấy không thoải mái”.

Nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời luôn gắn với văn hóa đọc. Nhiệm vụ này vừa cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài. Để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, UBND tỉnh ban hành kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, hướng đến xây dựng, phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp Nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa, con người An Giang nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và khát vọng khởi nghiệp.

Kế hoạch dự kiến đến năm 2025, phấn đấu 85% học sinh, sinh viên và người học khác ở cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại thư viện công cộng, thư viện của cơ sở giáo dục; 30% người dân khu vực nông thôn, 20% người dân vùng xa, biên giới được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và dịch vụ liên quan tại hệ thống thư viện công cộng, trung tâm văn hóa, học tập cộng đồng; 50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc, học tập suốt đời; 90% người sử dụng thư viện có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc, phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí…

Đến năm 2030, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng môi trường đọc với nhiều loại hình đến cơ sở; người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác tăng lên, chỉ tiêu phấn đấu đạt từ 0,5 - 1 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; trung bình mỗi người dân đọc 5 cuốn sách/năm…

Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng cũng đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, chú trọng thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc. Đồng thời, xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đẩy mạnh xã hội hóa; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng hợp tác về thư viện…

MỸ LINH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-van-hoa-doc-trong-doi-song-hien-dai-a410325.html
Zalo