'Đẻ nhầm' con của người lạ vì lỗi IVF ở Australia

Một phụ nữ sinh ra đứa bé không phải con ruột của mình sau khi phòng khám thụ tinh ống nghiệm (IVF) chuyển nhầm phôi thai của người khác cho cô.

 Lỗi chuyển nhầm phôi thai khiến người phụ nữ Australia sinh ra đứa trẻ không cùng huyết thống với mình. Ảnh minh họa: Unsplash.

Lỗi chuyển nhầm phôi thai khiến người phụ nữ Australia sinh ra đứa trẻ không cùng huyết thống với mình. Ảnh minh họa: Unsplash.

Phòng khám Monash IVF (Australia) tuyên bố sự cố này là do "lỗi con người". Vụ việc được phát hiện vào tháng 2, khi phòng khám tại thành phố Brisbane kiểm tra và nhận thấy số lượng phôi thai lưu trữ của một cặp vợ chồng nhiều hơn dự kiến.

Trong khi đó, họ phát hiện một phôi của bệnh nhân khác đã bị rã đông và cấy nhầm vào người mẹ.

Đứa bé chào đời trong năm 2024. Tuy nhiên, phòng khám không tiết lộ tuổi hay danh tính của bé cũng như tình trạng quyền nuôi dưỡng, theo Independent.

Đại diện Monash IVF - một trong những đơn vị làm thụ tinh nhân tạo lớn nhất Australia - cho biết họ rất đau lòng và gửi lời xin lỗi sâu sắc tới các bên liên quan.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn này”, Giám đốc điều hành Michael Knaap khẳng định.

Mặc dù phòng khám có các quy trình an toàn nghiêm ngặt trong phòng thí nghiệm, lỗi vẫn xảy ra. Vụ việc được báo cáo lên cơ quan quản lý tại bang Queensland.

Monash IVF hoạt động từ năm 1971, có mặt ở nhiều địa điểm trên khắp Australia. Năm ngoái, họ chi khoảng 35 triệu USD để dàn xếp vụ kiện tập thể từ hơn 700 bệnh nhân, sau khi bị cáo buộc tiêu hủy phôi thai có thể còn sử dụng được, dù không thừa nhận sai phạm.

 Chuỗi phòng khám Monash IVF liên tiếp dính nhiều vụ lùm xùm nhưng không hề nhận sai phạm. Ảnh: arete Australia.

Chuỗi phòng khám Monash IVF liên tiếp dính nhiều vụ lùm xùm nhưng không hề nhận sai phạm. Ảnh: arete Australia.

Những sự cố liên quan đến nhầm phôi cũng từng xảy ra tại Mỹ, Anh, Israel và châu Âu.

Ví dụ, tại bang Georgia (Mỹ), một phụ nữ tên Krystena Murray kiện phòng khám sau khi sinh một bé trai da đen, trong khi cô và người hiến tinh trùng đều là người da trắng. Sau đó, cô tự nguyện giao đứa bé lại cho cha mẹ ruột vì được khuyên là khó thắng quyền nuôi con.

Tại Australia, mỗi bang có luật IVF riêng, khiến việc quản lý dễ gặp sai sót.

Bang Queensland vừa thông qua luật đầu tiên về IVF trong năm 2024. Luật mới sẽ lập danh sách toàn bộ trẻ em sinh ra từ thụ tinh nhân tạo và cấm hủy hồ sơ y tế của người hiến tặng.

Bộ trưởng Dịch vụ Xã hội, Amanda Rishworth, nói: “Các bang khác cũng cần rà soát lại quy định. Niềm tin cần được khôi phục và điều đó rất quan trọng”.

Hoàng Hoàng

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/de-nham-con-cua-nguoi-la-vi-loi-ivf-o-australia-post1545782.html
Zalo