Để người cao tuổi không cô đơn
Người cao tuổi (NCT) thường có tâm lý sợ cô đơn và mong muốn được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn. Do đó, sự quan tâm, thấu hiểu từ con cháu sẽ làm giảm đi nỗi lo lắng và hụt hẫng về mặt tâm lý này.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi xã Hồng Ca.
Gần một năm nay, ông Nguyễn Mạnh Thắng ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái về xã Tuy Lộc sống cùng bố đẻ đã ngoài 90 tuổi. Ông Thắng chia sẻ: "Sau khi mẹ tôi mất, sức khỏe của bố tôi giảm sút, ăn uống kém, đi lại khó khăn. Vì thế, tôi quyết định về sống cùng bố, lo từng bữa ăn, giấc ngủ và chuyện trò hàng ngày với cụ”.
Bà Nguyễn Thị Hiền năm nay gần 80 tuổi được vợ chồng con trai anh Lê Ngọc Khánh ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái đón từ thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên về sống cùng.
Anh Khánh cho biết: "Mẹ ở một mình, giờ đã cao tuổi, đi lại không còn linh hoạt. Hai vợ chồng tôi quyết định đón bà về nhà cho tiện chăm sóc. Có bà ở cùng, nhà cũng ấm cúng hơn, con cháu có dịp gần gũi, quan tâm bà nhiều hơn”.
Hay như gia đình ông Hà Xuân Lân ở phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái hiện nay có 4 thế hệ chung sống. Ông Lân bày tỏ: "Mẹ đẻ tôi năm nay 107 tuổi, vừa rồi bị ngã nên không đi lại được. Vợ tôi 80 tuổi cũng đang bị bệnh nằm một chỗ. Những lúc thế này rất cần sự quan tâm, chăm sóc, chia sẻ từ phía gia đình. Các con tôi đều đã ở riêng nhưng hàng ngày vẫn cùng chia sẻ việc nhà, chăm sóc bà, mẹ và trò chuyện cùng tôi”.
Những câu chuyện như nhà ông Thắng, ông Lân hay anh Khánh là những câu chuyện đời thường ấm áp tình thân. Chăm lo cho NCT không chỉ là trách nhiệm đạo lý mà còn là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Khi người già được sống trong vòng tay yêu thương của con cháu và được trò chuyện, họ sẽ khỏe hơn, vui hơn, sống có ý nghĩa hơn. Với con cháu, đó vừa là việc báo hiếu vừa là cách gìn giữ, truyền lại những giá trị tốt đẹp của gia đình cho thế hệ sau.
Chăm lo cho NCT không chỉ dừng lại ở bữa ăn đủ dinh dưỡng, thuốc men khi ốm đau mà người già cần được lắng nghe, được nói, được quan tâm thật lòng. Gia đình - nơi NCT dành trọn cuộc đời cố gắng xây dựng, gìn giữ chính là điểm tựa tinh thần khi họ bước vào tuổi xế chiều.
Đón ông bà, cha mẹ về sống cùng vừa thuận tiện chăm sóc vừa thể hiện lòng hiếu thảo, để con cháu đền đáp ân nghĩa sinh thành, dưỡng dục. Cha mẹ già chỉ cần bữa cơm chung quây quần cùng con cháu, kể những câu chuyện đã qua, nắm tay đi dạo vài vòng quanh sân nhà cũng đủ khiến người già cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Nhiều gia đình khi quyết định sống chung các thế hệ dưới một mái nhà lại thấy gắn bó hơn, ấm áp hơn và yêu thương nhau nhiều hơn.
Gia đình là yếu tố then chốt để quan tâm, chăm sóc NCT. Chăm sóc NCT tốt hơn cũng cần sự chung tay của cộng đồng, các đoàn thể, chính quyền địa phương. Nhiều địa phương toàn tỉnh đã xây dựng mô hình câu lạc bộ NCT, các nhóm thiện nguyện đến thăm hỏi, tổ chức sinh hoạt văn nghệ, thể dục dưỡng sinh… tạo điều kiện để người già được giao lưu, vận động, tránh thu mình trong không gian hẹp.
Theo báo cáo của Hội NCT tỉnh, hiện nay, tổng số hội viên NCT Yên Bái có gần 94 nghìn người. Những năm qua, công tác chăm sóc NCT ngày càng có nhiều kết quả tích cực. Riêng năm 2024, các địa phương đã tổ chức lễ chúc thọ, mừng thọ cho gần 11.700 NCT, trong đó có 115 cụ tròn 100 tuổi, 774 cụ tròn 90 tuổi.
Đồng thời, các địa phương thường xuyên phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và ngành chức năng ưu tiên xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo có NCT; tổ chức thăm hỏi, động viên NCT; phối hợp tổ chức nhiều giải thể thao, chương trình liên hoan văn nghệ... Những việc làm đó đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp NCT vui hơn, khỏe hơn vì được quan tâm, được đồng hành, không bị lãng quên giữa cộng đồng.