Đề nghị mở rộng trợ cấp chuyển đổi cho lao động sắp xếp bộ máy
Người lao động mất việc do sắp xếp bộ máy, hay mất việc do tự động hóa, trí tuệ nhân tạo cần được bổ sung vào đối tượng hưởng hỗ trợ chuyển đổi nghề. Cùng với đó, thủ tục để thực hiện các thủ tục từ trợ cấp thất nghiệp, vay vốn tạo việc làm cũng cần đơn giản hóa.
Đây là ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi góp ý cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trong sáng 7/5. Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) soạn thảo theo hướng mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp chuyển đổi là nhóm yếu thế trong xã hội.
Băn khoăn về việc người lao động bị cắt giảm do sắp xếp bộ máy hành chính có được ưu tiên tái bố trí, đào tạo lại, chuyển đổi việc làm không, Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nêu ý kiến: “Tôi kiến nghị sửa đổi luật theo hướng làm rõ: Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người bị mất việc do cơ cấu lại bộ máy trong hệ thống chính trị. Bổ sung một khoản riêng là có chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do tự động hóa, trí tuệ nhân tạo nhằm đảm bảo khả năng thích ứng và chuyển đổi việc làm”.
Về việc vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, thời gian qua, nhiều lao động tự do, lao động phi chính thức như buôn bán nhỏ, hộ gia đình và nhóm lao động trên các nền tảng số khó chứng minh họ là đối tượng này nên thường bị loại ra hay gặp khó khăn trong việc vay vốn hỗ trợ, đại biểu đề nghị cần đơn giản hóa thủ tục hưởng hỗ trợ vay vốn.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho hay: “Luật sửa đổi theo hướng linh hoạt điều kiện nhận hỗ trợ, chẳng hạn như xác định của tổ dân phố, tổ chức đoàn thể hay căn cứ vào hồ sơ nghề nghiệp như lịch sử giao dịch, hợp đồng dịch vụ với nền tảng số hoặc dựa trên kê khai trung thực hoặc kiểm tra ngẫu nhiên của cơ quan".
Đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng chia sẻ: “Do hộ nghèo và hộ cận nghèo có đời sống giống nhau, tôi đề nghị mở rộng đối tượng được vay vốn mở rộng việc làm, duy trì mở rộng việc làm sang người lao động dân tộc thiểu số cả hộ nghèo và hộ cận nghèo".