Đề nghị mở rộng quyền phản biện xã hội của Mặt trận Tổ Quốc với những luật đã ban hành

Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội không chỉ với dự thảo mà còn với cả các văn bản đã được ban hành.

Toàn cảnh phiên họp của Tổ 8, chiều 16/5. Ảnh: Phạm Thắng

Toàn cảnh phiên họp của Tổ 8, chiều 16/5. Ảnh: Phạm Thắng

Chiều 16/5, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng (Tổ 8) thảo luận ở tổ về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.

Mặt trận phản biện xã hội với các văn bản sau khi ban hành là rất cần thiết

Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) cho biết, tại khoản 1, Điều 6 quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo Luật này, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các luật có liên quan.

Theo đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, quy định này còn hạn chế và chưa phản ánh đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong giám sát, phản biện các chính sách pháp luật đã và đang được triển khai.

ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

"Trong quá trình thực hiện, nhiều văn bản pháp luật đã ban hành có thể bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, cần được điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Vì vậy, việc cho phép Mặt trận phản biện xã hội cả với các văn bản sau khi ban hành là rất cần thiết, nhằm góp phần nâng cao chất lượng pháp luật và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước", đại biểu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đề nghị ban hành cơ chế pháp lý cụ thể hơn cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Dù Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định về quyền giám sát, phản biện, nhưng theo đánh giá, hiện nay vẫn thiếu những quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục, hiệu lực pháp lý và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát.

"Việc hoàn thiện cơ chế pháp lý sẽ tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc thực hiện đầy đủ vai trò là cầu nối giữa Nhân dân và Nhà nước, bảo đảm sự tham gia hiệu quả của Nhân dân vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách pháp luật", đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga bày tỏ.

Làm rõ thẩm quyền xử phạt và quy trình lập biên bản vi phạm hành chính

Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, ĐBQH Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và quy trình lập biên bản xử lý vi phạm.

ĐBQH Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chánh Thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ và Chánh Thanh tra tỉnh có thẩm quyền xử phạt hành chính, bao gồm: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 70% mức phạt tối đa theo từng lĩnh vực nhưng không quá 250 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đình chỉ hoạt động có thời hạn...

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành và dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này, chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt của Tổng Thanh tra Chính phủ và Chánh Thanh tra tỉnh.

Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần thống nhất, rà soát và làm rõ nội dung này, đồng thời cung cấp thông tin cụ thể đến các ĐBQH để bảo đảm tính minh bạch, đầy đủ của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt cũng lưu ý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đang sử dụng cụm từ “thủ trưởng cơ quan thanh tra” để chỉ người có thẩm quyền xử phạt tại một số cơ quan như quân đội, công an, ngân hàng nhà nước, cơ yếu...

Tuy nhiên, cách gọi này không phù hợp với hệ thống chức danh hiện hành theo Luật Thanh tra, trong đó quy định rõ chức danh là “Chánh Thanh tra”. Việc sử dụng không thống nhất có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau và gây khó khăn trong áp dụng pháp luật. Do đó, đại biểu đề nghị chỉnh sửa lại cho đúng tên gọi chức danh theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về quy trình lập biên bản vi phạm hành chính (Điều 58, sửa đổi tại khoản 8 Điều 1 của dự thảo Luật), đại biểu đề nghị làm rõ thêm quy định trong trường hợp không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm.

Cụ thể, dự thảo hiện quy định: biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 2 bản, có chữ ký của người lập và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm. Trường hợp người vi phạm không ký thì phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến. Nếu không có các chữ ký này thì phải ghi rõ lý do.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề xuất bổ sung tình huống "không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm" cũng phải có xác nhận tương tự từ chính quyền địa phương hoặc người chứng kiến để bảo đảm tính khách quan, chặt chẽ của biên bản. Đồng thời, đề nghị viết lại nội dung quy định theo hướng rõ ràng, đầy đủ hơn như sau:

“Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 2 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký.

Trường hợp không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hoặc người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản”.

Theo đại biểu, việc quy định rõ như vậy sẽ giúp nâng cao tính pháp lý, tránh tranh chấp và bảo đảm tính nghiêm minh trong xử lý các vi phạm hành chính.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/de-nghi-mo-rong-quyen-phan-bien-xa-hoi-cua-mat-tran-to-quoc-voi-nhung-luat-da-ban-hanh-10372645.html
Zalo