Đề nghị cho Đà Nẵng tiếp tục triển khai cơ chế đặc thù sau sáp nhập

Đà Nẵng đề nghị Trung ương cho phép sau sáp nhập (với tỉnh Quảng Nam) được tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù hiện nay theo Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ 23 (chuyên đề) ngày 26/4, HĐND TP Đà Nẵng đã thống nhất thông qua nghị quyết tán thành chủ trương hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng thành một TP trực thuộc Trung ương với tên gọi TP Đà Nẵng.

Theo đề án được HĐND TP Đà Nẵng thông qua, trung tâm chính trị, hành chính của TP Đà Nẵng (mới) đặt tại phường Hải Châu, TP Đà Nẵng hiện nay. TP Đà Nẵng mới có diện tích tự nhiên 11.867,18 km2 (đạt 791,15% so với tiêu chuẩn TP trực thuộc TƯ), dân số 3.065.628 người (đạt 306,56% so với tiêu chuẩn TP trực thuộc TƯ), có 94 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 23 phường, 70 xã và 1 đặc khu Hoàng Sa).

Kỳ họp thứ 23 (chuyên đề) ngày 26/4 của HĐND TP Đà Nẵng.

Kỳ họp thứ 23 (chuyên đề) ngày 26/4 của HĐND TP Đà Nẵng.

Tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng nhấn mạnh việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp phải bảo đảm hoạt động của HĐND, UBND thường xuyên, liên tục, không gián đoạn, không ảnh hưởng đến các hoạt động của cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp.

HĐND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương và Đảng ủy Chính phủ giữ nguyên số lượng biên chế hiện được phân bổ của hai địa phương. Đồng thời hướng dẫn khung số lượng biên chế công chức, người làm việc cụ thể theo từng vị trí việc làm tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập để làm cơ sở giao, sử dụng biên chế tại các địa phương.

HĐND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành TƯ quan tâm cho phép TP Đà Nẵng mới tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù của TP Đà Nẵng hiện nay theo Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội, đặc biệt là thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, xây dựng Trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng…

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng phát biểu tại kỳ họp.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng phát biểu tại kỳ họp.

Tỉnh Quảng Nam hiện được Trung ương hỗ trợ nhiều chính sách cho miền núi. Do đó, HĐND TP Đà Nẵng đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ chính sách cho các xã miền núi của TP Đà Nẵng mới. Đồng thời có cơ chế đặc thù thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển xã hội hóa sân bay Chu Lai, cảng biển Kỳ Hà gắn với sân bay Đà Nẵng và cảng biển Liên Chiểu, tuyến đường sắt đô thị Đà Nẵng – Hội An – Tam kỳ.

TP Đà Nẵng hiện cũng được cho cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án theo Kết luận số 7-KL/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị quyết 170/2024/QH15 của Quốc hội, Do đó, HĐND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép áp dụng các chính sách này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với đơn vị TP mới.

Hiện nay, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã được Chính phủ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch đô thị. Do đó, HĐND TP Đà Nẵng đề nghị Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương cho phép TP Đà Nẵng mới tiếp tục triển khai các quy hoạch này. Đồng thời giao thẩm quyền cho TP Đà Nẵng mới quyết định điều chỉnh những điểm khác biệt của mỗi địa phương đã được phê duyệt trước đây.

HĐND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Trung ương cho chủ trương để TP Đà Nẵng mới xây dựng đề án sắp xếp, bố trí lại dân cư ở các xã miền núi có nguy cơ sạt lở và giao vùng đất, vùng nước cho nông dân nuôi trồng thủy sản.

Hải Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/de-nghi-cho-da-nang-tiep-tuc-trien-khai-co-che-dac-thu-sau-sap-nhap/20250427072754817
Zalo