Để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững
Người nuôi cá lồng ở Hải Dương đã áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo đảm việc nuôi cá hiệu quả.

Các hộ nuôi cá lồng ở Hải Dương đã chủ động giảm mật độ cá trong lồng nuôi, tạo môi trường sống thông thoáng hơn
Người nuôi chủ động
Dù đã nuôi cá lồng từ lâu, nhưng gần đây anh Nguyễn Tất Thuân ở xã Bình Lãng (Tứ Kỳ) mới chú trọng nhiều hơn đến vệ sinh lồng nuôi, quan sát thời tiết, mực nước sông... Theo anh Thuân, do lồng cá, lưới ngâm lâu trong nước, cáu bẩn và các tạp chất bám vào nên sau khi thu hoạch xong, anh phải kéo lưới lên giặt sạch. Với lồng sắt, anh sử dụng bàn chải đánh sạch cáu bẩn bám vào.
Anh Thuân cũng quan tâm nhiều hơn đến sự thay đổi thời tiết, nhất là thời điểm giao mùa. Khi đó, anh dùng sục khí thường xuyên để tăng ô xy hòa tan trong nước, sử dụng chế phẩm diệt khuẩn BKC, Emzone, vôi bột để nước trong hơn, khử khuẩn. Trong quá trình nuôi cá, với thức ăn thừa và chất thải đọng bên dưới, anh thuê máy hút bùn, chất thải giúp nước lưu thông, sạch hơn. "Năm trước, gần 20 tấn cá của gia đình bị chết, thiệt hại kinh tế rất lớn. Sau lần đó, tôi chủ động tìm hiểu và áp dụng nhiều biện pháp để khu vực đặt lồng nuôi cá sạch sẽ, tạo điều kiện cho cá sinh trưởng và phát triển", anh Thuân nói.
Người nuôi cá lồng còn chủ động giảm mật độ nuôi nhằm tạo môi trường thông thoáng cho cá sinh sống. Hiện mỗi lồng nuôi có thể tích 54 m3, anh Vương Quang Nam ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách) nuôi khoảng 1 vạn con cá giống, giảm khoảng 10% so với trước đây. Khi cá to hơn, anh chuyển cá sang lồng khác. Khi trọng lượng cá từ 4 - 5 kg/con, anh để mật độ nuôi khoảng 1.500 con/lồng, giảm 500 con/lồng so với trước đây. "Cá càng lớn, mật độ nuôi phải giảm dần. Việc giảm mật độ làm cho không gian thoáng đãng, cá bơi lội thoải mái hơn. Trường hợp cá bị bệnh, sẽ hạn chế việc lây nhiễm chéo'', anh Nam chia sẻ.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y đi kiểm tra các hộ nuôi cá lồng (ảnh cơ sở cung cấp)
Kiểm soát chặt chẽ
Nuôi cá lồng mang lại nguồn thu nhập tốt cho người dân Hải Dương. Do đó, số lượng người nuôi cá lồng ngày càng nhiều, quy mô lồng nuôi được mở rộng. Tuy nhiên, đầu tháng 4/2024, tại xã Tiền Tiến, phường Nam Đồng (TP Hải Dương), xã Nam Tân (Nam Sách)… xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt khiến nhiều hộ nuôi cá lồng điêu đứng. Theo kết quả kiểm tra của Cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cá chết là do nồng độ ô xy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thay đổi, mực nước sông xuống thấp. Khi phát hiện cá yếu, người dân không dùng ngay máy sục khí để tăng nồng độ ô xy hòa tan trong nước...
Để khắc phục tình trạng này, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã hướng dẫn người dân áp dụng nhiều biện pháp nuôi cá lồng. Hằng tháng, chi cục phối hợp lấy mẫu nước ở khu vực nuôi thủy sản, trong đó có khu vực nuôi cá lồng để kiểm tra các chỉ số. Qua đó, giúp phát hiện sớm chất lượng nước và đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi cá lồng.
Chi cục thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về nuôi cá lồng; tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức cho các hộ nuôi...

Vệ sinh lồng nuôi giúp môi trường nước trong sạch hơn
Đến nay, người nuôi cá lồng ở Hải Dương đã cơ bản tuân thủ các quy định về nuôi cá lồng. Ông Nguyễn Văn Thường ở khu dân cư Đồng Ngọ, phường Nam Đồng (TP Hải Dương) cho biết, mặc dù việc nuôi cá lồng của gia đình diễn ra thuận lợi nhưng khi được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, gia đình tiếp thu và thực hiện nghiêm các quy định. Đây là cách để bảo vệ tài sản của gia đình, những người cùng nuôi cá lồng.
Với sự vào cuộc, hướng dẫn của cơ quan chức năng, chủ động của người dân, việc nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh đã ổn định, giúp thu nhập của người tăng lên.
Hải Dương hiện có gần 8.000 lồng cá, giảm khoảng 170 lồng so với đầu năm 2024. Trong đó, huyện Nam Sách có trên 3.300 lồng, nhiều nhất tỉnh; TP Hải Dương khoảng 2.000 lồng; huyện Tứ Kỳ 800 lồng… Từ đầu năm đến nay, tình hình nuôi thả của người dân ổn định, chưa xuất hiện dịch bệnh hay cá bị chết do ô nhiễm môi trường, nguồn nước nuôi.