Để nền kinh tế thích ứng với dân số già

Với dân số già hóa, chúng ta chỉ có thể thích ứng (adaptation) chứ khó có thể xử lý (cope with). Việt Nam còn 15 năm để chuẩn bị cho sự thích ứng với cơ cấu dân số già này, từ đó, biến nghịch cảnh 'chưa giàu đã già' trở thành 'già và giàu'.

Ngay từ bây giờ, khi người lao động còn trẻ, Việt Nam cần trang bị kiến thức, kỹ năng cho họ, và chuẩn bị các hạ tầng cơ sở, thiết bị... tương ứng để nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Ảnh: LÊ VŨ

Ngay từ bây giờ, khi người lao động còn trẻ, Việt Nam cần trang bị kiến thức, kỹ năng cho họ, và chuẩn bị các hạ tầng cơ sở, thiết bị... tương ứng để nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Ảnh: LÊ VŨ

Suy ngẫm từ các nghiên cứu khoa học

GS.TS. Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân và cộng sự, vừa công bố nghiên cứu “Healthy aging in Vietnam: results from national representative surveys on older persons” (tạm dịch: Lão hóa khỏe mạnh ở Việt Nam: Kết quả từ những khảo sát quốc gia về người cao tuổi). Đây là nghiên cứu đầu tiên xây dựng Healthy Ageing Index HAI (tạm dịch: Chỉ số lão hóa khỏe mạnh) cho Việt Nam, dựa trên sáu nhóm tiêu chí: (i) sức khỏe thể chất; (ii) sức khỏe sinh lý và trao đổi chất; (iii) tình trạng sức khỏe nói chung; (iv) sức khỏe tâm thần; (v) tham gia các hoạt động cộng đồng; và (vi) mối quan hệ trong gia đình. Các dữ liệu phân tích được trích ra từ Khảo sát Người cao tuổi và Bảo hiểm y tế xã hội tại Việt Nam 2019 (OP&SHI 2019) và Khảo sát Lão hóa quốc gia Việt Nam 2022 (VNAS 2022).

Kết quả cho thấy điểm HAI của người Việt Nam lớn tuổi tương đối cao và không có sự khác biệt thống kê giữa năm 2019 và 2022, có nghĩa là tình trạng lão hóa khỏe mạnh đã ổn định. Ngoài ra, điểm HAI có mối liên hệ tích cực với trình độ giáo dục, khả năng tài chính, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe... Cụ thể hơn, nghiên cứu cho thấy, người cao tuổi tích cực tham gia các công việc nhà hoặc/và các hoạt động kinh tế - xã hội khác, tình trạng lão hóa khỏe mạnh được cải thiện theo chiều hướng tích cực.

Đặc biệt, trong bối cảnh một nước có thu nhập ở mức trung bình và già hóa dân số nhanh như Việt Nam thì việc người cao tuổi tiếp tục làm những công việc phù hợp sẽ không chỉ mang lại an sinh thu nhập mà còn giúp họ có điều kiện tốt hơn để chăm sóc sức khỏe, duy trì tình trạng lão hóa khỏe mạnh của bản thân. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam cần có sự dịch chuyển về mặt cơ cấu để đáp ứng cả hai mục tiêu trên.

Hướng tới mục tiêu người lao động khi về già có thể làm các công việc đơn giản của nền kinh tế số, chúng ta phải khắc phục sớm sự khác biệt về kỹ năng, tiếp cận và sử dụng công nghệ số theo vùng miền, khu vực sống, nâng cao trình độ công nghệ chung của người lao động.

Trên thực tế, đây cũng là xu hướng chung khi già hóa dân số đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Một nghiên cứu công bố vào tháng 7-2023 của Bain&Company(1) ước đoán, tới năm 2030, thế giới sẽ có thêm khoảng 150 triệu lao động cao tuổi. Riêng trong nhóm G7, tới năm 2031, lao động từ 55 tuổi trở lên sẽ chiếm hơn 25% lực lượng lao động toàn cầu, cao hơn gần 10 điểm phần trăm so với năm 2011.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Bain&Company cũng thừa nhận, bất chấp sự thay đổi này, còn khá ít tổ chức đưa ra các chương trình đào tạo người lao động lớn tuổi phù hợp với hệ thống của họ. Nghiên cứu dẫn một khảo sát toàn cầu của AARP - một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người lao động từ 50 tuổi trở lên - cho thấy chưa tới 4% công ty được khảo sát cam kết về những chương trình như vậy và 27% nói rằng rất có thể họ sẽ cân nhắc vấn đề này trong tương lai.

Tất nhiên, một khi dân số thế giới đã bước vào ngưỡng già, sự lệch pha này sẽ buộc phải giảm thiểu. Cùng với đó, vẫn có giải pháp để hóa giải thực trạng này một cách chủ động.

Trao đổi thêm với Kinh tế Sài Gòn, GS.TS. Giang Thanh Long nhìn nhận, việc chuyển đổi theo hướng vừa thúc đẩy người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, vừa phục vụ người cao tuổi chính là tạo ra một “nền kinh tế chăm sóc” (care economy) cho người cao tuổi. Để đạt tới sự chuyển đổi này, cơ quan quản lý phải có những chiến lược, chính sách quyết liệt khi mà thời gian còn lại để bước sang một dân số “già” không còn nhiều.

Con đường của Việt Nam

Sự hòa nhập rất nhanh của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế khu vực và toàn cầu khiến Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi các xu thế chung của nền kinh tế toàn cầu, trong đó có vấn đề già hóa lực lượng lao động. Có nền tảng kinh tế - xã hội thấp hơn so với các nước “đã giàu và già”, Việt Nam lại càng cần có sự chuẩn bị tốt hơn.

Theo GS.TS. Giang Thanh Long, ngay từ bây giờ, khi người lao động còn trẻ, Việt Nam cần trang bị kiến thức, kỹ năng cho họ, và chuẩn bị các hạ tầng cơ sở, thiết bị... tương ứng để nâng cao năng suất, chất lượng lao động.

Hướng tới mục tiêu người lao động khi về già có thể làm các công việc đơn giản của nền kinh tế số, chúng ta phải khắc phục sớm sự khác biệt về kỹ năng, tiếp cận và sử dụng công nghệ số theo vùng miền, khu vực sống, nâng cao trình độ công nghệ chung của người lao động.

Chẳng hạn, hiện chỉ có khoảng 35% lực lượng lao động Việt Nam và gần 45% người dân được đánh giá là có kỹ năng số cơ bản (như sử dụng email, trình duyệt web, xử lý văn bản đơn giản...), trong khi chỉ có khoảng 9% lực lượng lao động có kỹ năng số trung cấp trở lên (như kỹ năng lập trình cơ bản, quản lý cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu); lao động ở lĩnh vực công nghệ thông tin chỉ chiếm gần 1,5% tổng số lao động; tỷ lệ sử dụng dịch vụ tài chính số tại thành thị đạt 67%, trong khi tại nông thôn chỉ là 32%...

Hay với đối tượng lao động trong các khu công nghiệp, có thể quay trở lại quê hương tiếp tục làm nông nghiệp sau khi nghỉ hưu (thường là nghỉ hưu sớm), có thể đào tạo, hướng dẫn họ về cách làm nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, đồng thời hỗ trợ họ tìm hiểu và tìm kiếm thị trường cho nông sản.

Để làm được những việc này thì phải có những thay đổi căn cơ trong thiết kế và thực hiện chính sách liên quan tới thị trường lao động.

Để các doanh nghiệp, tổ chức có thể tiếp tục sử dụng lao động cao tuổi thì cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (như giảm gánh nặng tài chính qua giảm thuế thu nhập doanh nghiệp) hoặc hỗ trợ kết nối với các trung tâm đào tạo nghề để đào tạo lại hoặc nâng cao tay nghề cho lao động cao tuổi đáp ứng yêu cầu công việc. Còn đối với người lao động nói chung, ngoài việc định hướng, đào tạo trước nêu trên thì các chương trình học tập trọn đời đa dạng, phổ biến, dễ tiếp cận cũng giúp cho người cao tuổi không bị “lạc lõng” trong thế giới số, xanh... khi tìm kiếm công việc phù hợp.

“Việc Nhật Bản xây dựng Trung tâm Nguồn nhân lực bạc từ những năm 1970 - khi mà dân số chưa già nhanh và nền kinh tế đang trong giai đoạn thăng hoa - nhằm kết nối việc làm cho lao động cao tuổi với các nhà tuyển dụng cho thấy tầm nhìn dài hạn của Nhật Bản trong việc thích ứng với thay đổi cấu trúc tuổi dân số theo hướng già hóa”, GS.TS. Giang Thanh Long nêu dẫn chứng.

Dù vậy, thách thức lớn nhất vẫn là việc làm sao để nền kinh tế tạo ra đủ công ăn việc làm cho cả nhóm người trong độ tuổi lao động và những người cao tuổi. Theo GS. Long, chỉ có thể thích ứng (adaptation) chứ không thể xử lý (cope with) được già hóa dân số do đây là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược và vì thế cần phải tiến hành thay đổi chiến lược, chính sách thích ứng càng sớm thì mới càng có hiệu quả.

(1) https://www.bain.com/insights/better-with-age-the-rising-importance-of-older-workers/

Hoàng Hạnh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-nen-kinh-te-thich-ung-voi-dan-so-gia/
Zalo