Để lễ hội là tín ngưỡng của cộng đồng
Ngày 3/2/2025, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Công điện số 09 về tổ chức lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất tỵ và Lễ hội xuân 2025. Điểm mới trong Công điện về lễ hội năm nay là quy định rõ việc tham gia lễ hội của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương.
![Lễ hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: TTXVN.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_113_51431668/5e6c44767e389766ce29.jpg)
Lễ hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: TTXVN.
Cụ thể, Công điện Thủ tướng lưu ý, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về tổ chức và tham dự lễ hội; tuyệt đối không tổ chức và tham dự các lễ hội tràn lan, lãng phí; nhất là lợi dụng để tác động, hoạt động mê tín dị đoan.
Bên cạnh đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội để trục lợi, tác động tiêu cực, nhất là tại những địa phương diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân tham dự.
Thủ tướng nêu rõ, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội.
Đặc biệt, điểm mới trong tinh thần chỉ đạo trong công điện của Thủ tướng Chính phủ đối với mùa lễ hội năm nay là: Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_113_51431668/ed16cb0cf142181c4153.jpg)
Theo nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc kênh VOV giao thông (Đài tiếng nói Việt Nam), đây là một chi tiết rất mới so với những mùa lễ hội trước đó, vốn chỉ đề cập việc sử dụng xe công, hoặc đi lễ hội trong giờ hành chính. Công điện 09 của Thủ tướng, có thể nói, đã “điểm trúng” vào một vấn đề “nhạy cảm” nhiều năm nay, đó là “thói quen lạm dụng vặt chức vụ, quyền hạn để mưu cầu những quyền lợi dân sinh. Và, sự lạm dụng vặt vãnh đó không chỉ là vấn đề kỷ luật công vụ, mà còn tạo nên sự phản cảm trong cách mà người dân nhìn vào bộ máy công quyền” – nhà báo Phạm Trung Tuyến nhận định.
Lý giải về điều này, nhà báo Phạm Trung Tuyến cho rằng: Lễ hội mùa xuân, phần lớn là các lễ hội dân gian, mà bản chất là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của các cộng đồng địa phương. Sự tham dự của các lãnh đạo, cùng với vai vế hành chính của họ, tại các lễ hội của người dân, sẽ kéo theo các nghi thức tiếp đón, phá vỡ trật tự truyền thống, ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực hành văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Ví dụ như dẹp đường để ưu tiên quan chức, chen ngang cho lãnh đạo dâng lễ, hoặc đứng vào các vị trí nghi thức vốn dĩ thuộc về người dân địa phương...
Tham gia lễ hội hay đi lễ đầu năm suy cho cùng là một nhu cầu chính đáng của người dân, trong đó có các lãnh đạo. Đã là một nhu cầu chính đáng, thì việc bất cứ lãnh đạo nào đi lễ hay tham dự lễ hội là chuyện bình thường nếu sự hiện diện của họ mang tính cá nhân và không vi phạm vào những quy định như trong giờ hành chính hoặc sử dụng xe công. Đây chính là tinh thần công điện của Thủ tướng năm nay nhằm hạn chế một thực tế vẫn diễn ra mọi năm, lãnh đạo bộ ngành địa phương hiện diện tại các lễ hội với đầy đủ các chức danh, cho dù vị trí của họ có khi chẳng liên quan gì đến lễ hội, sự hiện diện ấy hoàn toàn không mang tính đại diện cần thiết nào. Có thể gọi đó là sự lạm dụng chức vụ để thực hiện một nhu cầu hết sức cá nhân là tham dự lễ hội đôi khi chỉ vì cho oai, cũng có khi là được ưu tiên trong việc thực hiện nghi lễ.
Tham gia lễ hội và cầu cúng vốn là nét đẹp, là di sản văn hóa truyền thống, một sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh. Ước nguyện cầu mong cuộc sống bình an là ước nguyện chung mỗi người. Đầu năm hay đến chùa lễ Phật, cầu cho bản thân, người thân được bình an, cầu quốc thái dân an là một nhu cầu đẹp đẽ, một nghi lễ thiêng liêng đáng được tôn trọng. Là lãnh đạo, là quan chức thì không đồng nghĩa với việc không được đi lễ hay không tham gia lễ hội. Thậm chí, việc những người ra bên ngoài xã hội cũng đảm nhận những cương vị quan trọng mà khi trở về làng nước vẫn tham gia vào các nghi lễ, tập tục của làng một cách bình dị càng đáng trân trọng. Chỉ là cần phải thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của công điện 09, tuyệt đối không không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ; cũng như lãnh đạo bộ ngành địa phương không tham gia nếu không được phân công.
Yêu cầu lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội một cách tùy tiện, như công điện của Thủ tướng chính phủ, theo suy nghĩ của tôi, là một hành động nhằm trả lại sự hồn nhiên, thuần khiết của các lễ hội dân gian. Sự hồn nhiên, thuần khiết, bầu không khí văn hóa đậm chất dân gian chính là hồn cốt, là sắc thái hấp đẫn, đẹp đẽ nhất của các lễ hội mùa xuân. Nhưng điều đó, nhiều năm qua phần nào hư hao, mất mát bởi các yếu tố hành chính.
Không ít lễ hội, vốn dĩ là sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xóm, nơi mà cả phần lễ và phần hội lẽ ra đều mang những đặc trưng văn hóa, lịch sử, lối sống, tín ngưỡng của cộng đồng, với những tôn ti, trật tự được hình thành qua nhiều thế hệ người làng. Nhưng, có thể bỗng nhiên bị hành chính hóa.
Có người sẽ cho rằng, những yếu tố hành chính xuất hiện trong lễ hội dân gian là vô hại, không gây ảnh hưởng nhiều. Nhưng tôi không nghĩ thế. Bởi tôi quan niệm rằng lễ hội là sự kết tinh của văn hiến từng vùng đất, được truyền thừa một cách tự nhiên qua nhiều thế hệ. Bất cứ sự tác động nào từ bên ngoài vào nhịp điệu của lễ hội cũng làm thay đổi hương vị, màu sắc của lễ hội. Giống như nấu một món ăn truyền thống mà cho vào đó những gia vị ngoại lai.
Hơn nữa, lễ hội là sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người dân, nơi mà chỉ có những người dân trong cộng đồng mới có thể làm chủ, mới có thể tạo nên thần thái của ngày hội. Ở đó, thánh thần trong tâm tưởng, nghi thức trong truyền thống, phong hóa và mỹ cảm của ngôi làng mới là điều quan trọng. Sự xuất hiện của quan chức, với vai trò hành chính của họ, vốn là điều không nên.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông – Đài Tiếng nói Việt Nam.